"Vua nợ" China Evergrande lỗ 81 tỷ USD trong 2 năm
Kể từ năm 2009, Evergrande chưa từng thua lỗ nhưng riêng 2 năm vừa qua, tập đoàn này lỗ tới 81 tỷ USD.
Phía Evergrande báo cáo khoản lỗ lớn này một phần nhiều là bởi khoản chi cho các cổ đông lên tới 105,9 tỷ NDT (14,8 tỷ USD) trong cả năm 2022, cộng thêm 476 tỷ NDT thua lỗ vào năm trước đó.
Kết quả này cho thấy Evergrande đã ngụp sâu thế nào trong những rắc rối giữa bối cảnh khủng hoảng nhà đất dâng cao tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 2 năm qua sau khi chính phủ thắt chặt cho vay với các công ty BĐS còn người tiêu dùng thì hạn chế mua nhà. Kết quả này cũng đánh dấu khoản lỗ 2 năm đầu tiên của công ty kể từ khi niêm yết vào năm 2009.
Doanh thu của Evergrande đã giảm 1 nửa trong năm 2021 xuống còn 250 tỷ NDT trước khi giảm thêm nữa vào năm ngoái xuống còn 230 tỷ NDT – thấp hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia phân tích trước đó. Trong khi khoản nỗ đã được thu hẹp vào năm ngoái so với năm 2021 nhưng đây vẫn là 1 diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều so với kết quả năm 2020 khi mà họ lãi 8 tỷ NDT.
Đáng nói, khối nợ của China Evergrande vẫn vô cùng lớn, đạt 2,58 nghìn tỷ NDT tính tới cuối năm 2021, tương đương 360 tỷ USD. Con số này đã giảm nhẹ xuống 2,44 nghìn tỷ NDT tính tới cuối tháng 12 năm ngoái.
Kết quả kinh doanh được công bố giúp cho các trái chủ nước ngoài có thêm nhiều thông tin hơn khi họ đang cân nhắc đề xuất tái cấu trúc nợ của công ty. Evergrande nói rằng họ dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 24 – 25/7 với nhiều chủ sở hữu trái phiếu khác nhau. Hồi tháng 4, công ty này nói rằng các nhà đầu tư nắm 77% trái phiếu Class A ủng hộ kế hoạch này trong khi chỉ 30% người nắm giữ trái phiếu Class C tán thành.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, Evergande có thể tiến gần hơn tới trạng thái được giao dịch cổ phiếu trở lại sau khi công bố kết quả kinh doanh và có khả năng được chấp thuận kế hoạch tái cấu trúc nợ. Khoản tiền mặt ít ỏi của công ty đạt 4,3 tỷ NDT tính tới cuối năm so với mức nợ ngắn hạn tới 587 tỷ NDT có thể giải thích cho nhu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc nợ.
Kết quả kinh doanh lần này là cập nhập được chờ đợi từ rất lâu về tình trạng tài chính của Evergrande – công ty điển hình gặp rắc rối trong cuộc khủng hoảng nhà đất của Trung Quốc.
Kết quả tài chính mới được công bố của Evergrande được kiểm toán bởi Prism – một công ty kiểm toán nhỏ sau khi PwC – đối tác kiểm toán lâu năm của Evergrande rút lui hồi tháng 1.
Nguồn: Bloomberg
Theo Phương Linh