Ý định khởi nghiệp của nữ sinh viên các trường đại học: Trường hợp nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố: Sự tự chủ; Môi trường giáo dục; Thái độ cá nhân; Nhận thức tính khả thi; Chuẩn chủ quan và Nguồn vốn, đều đóng vai trò nhất định tác động đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học TP. Hồ Chí Minh.
ThS. Trương Thị Ngọc Hân
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Email: ttn.han@hutech.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động và đo lường mức độ tác động của các yếu tố đó đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh thông qua phương pháp định lượng kết hợp với định tính. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS, kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố: Sự tự chủ; Môi trường giáo dục; Thái độ cá nhân; Nhận thức tính khả thi; Chuẩn chủ quan và Nguồn vốn có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: ý định khởi nghiệp, nữ sinh đại học, TP. Hồ Chí Minh
Summary
The study identifies the factors that influence and measure the level of impact of those factors on the entrepreneurial intention of female university students in Ho Chi Minh City through quantitative and qualitative methods. After collecting and analyzing data using SPSS software, the research results show that these factors: Autonomy; Educational environment; Personal attitude; Perceived feasibility; Subjective norms, and Capital positively impact the entrepreneurial intention of female university students in Ho Chi Minh City.
Keywords: entrepreneurial intention, female university students, Ho Chi Minh City
GIỚI THIỆU
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, khởi nghiệp đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề của xã hội. Theo Báo cáo Global Entrepreneurship Monitor (GEM, 2023), tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành có ý định khởi nghiệp đạt 15,4%; trong đó, tỷ lệ nữ giới vẫn thấp hơn đáng kể do nhiều rào cản, như: định kiến xã hội và thiếu tự tin. Đặc biệt, nữ sinh viên, lực lượng trẻ đầy tiềm năng, thường gặp nhiều khó khăn hơn nam giới khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, mặc dù nữ giới ngày nay được đánh giá là có năng lực khá cao.
Mặt khác, các nghiên cứu về ý định khởi nghiệp còn khá ít nghiên cứu tập trung riêng vào đối tượng nữ giới. Cụ thể, trong nước, nghiên cứu của Nguyễn Phương Mai (2018) là một trong số ít công trình nhấn mạnh các yếu tố, như: thái độ cá nhân, tính cách và sự hỗ trợ từ gia đình đối với nữ sinh viên. Ở nước ngoài, nghiên cứu của Mansori (2017) tại Malaysia đã phân tích vai trò của sự công nhận xã hội và thái độ đối với rủi ro trong ý định khởi nghiệp của phụ nữ trẻ. Phần lớn các nghiên cứu của Dubey và Shahu (2022); Shabnaz và Islam (2021) vẫn tập trung rộng hơn vào nam giới, chỉ đề cập nữ giới như một phần trong các so sánh. Điều này cho thấy, cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu nhằm hiểu rõ hơn về ý định khởi nghiệp của phụ nữ. Do vậy, việc nghiên cứu các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học, trường hợp nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh, là điều cần thiết, mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Ý định
Rutigliano (2017) cho rằng, ý định là động cơ, ý thức hướng năng lượng về một mục tiêu và hành động của mình tới nhận thức nhiều hơn tiềm năng của cá nhân. Đôi khi, ý định là niềm tin (Marusic và Schwenkler, 2018). Theo Britannica (2020), ý định trong logic học và tâm lý học, là khái niệm được sử dụng để mô tả một phương thức tồn tại hoặc mối quan hệ. Nghiên cứu này sử dụng cách hiểu của Chhabra và cộng sự (2020), ý định là một trạng thái trí tuệ hay còn gọi là trạng thái tinh thần, trong đó mọi người có động lực để tập trung vào một mục tiêu cụ thể.
Khởi nghiệp
Khởi nghiệp là quá trình một cá nhân tìm kiếm cơ hội không cần xét đến những nguồn lực mà họ hiện đang kiểm soát (Barringer và Ireland, 2010). Koe và cộng sự (2012) cho rằng, khởi nghiệp là tạo dựng một công việc kinh doanh mới hay thành lập một doanh nghiệp mới bằng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nhận diện và tận dụng các cơ hội để đạt được sự hài lòng trong việc kinh doanh của mình. Akinbola và Sanni (2020) định nghĩa, khởi nghiệp là một cơ hội nghề nghiệp với các công ty khởi nghiệp kinh doanh mới và gia tăng cơ hội việc làm cho xã hội.
Khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo và có các đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất là tính đột phá, mọi dự án khởi nghiệp thường tạo ra những sản phẩm/dịch vụ độc lạ chưa tồn tại trên thị trường hoặc mang lại giá trị tốt hơn. Đó có thể là một mô hình kinh doanh mới mẻ, một phân khúc sản xuất hiệu quả hay danh mục sản phẩm chưa từng có trên thị trường. Thứ hai là tăng trưởng, nhiều công ty khởi nghiệp không đặt mục tiêu và giới hạn sự tăng trưởng cho dự án riêng. Họ thường nỗ lực làm việc với khát vọng đạt được sự phát triển tốt nhất có thể trong quá trình hoạt động (Nguyễn Linh, 2022).
Ý định khởi nghiệp
Ý định khởi nghiệp là trạng thái tinh thần mà mọi người mong muốn tạo ra một dự án kinh doanh mới (Schlaegel và cộng sự, 2014). Hoặc nó là cách tiếp cận tiếp theo dựa trên nhận thức rõ ràng của cá nhân về khả năng để bắt đầu hoạt động kinh doanh của chính mình (Omorede, 2014). Ý định khởi nghiệp của một người còn là định hướng tinh thần, như: mong muốn, ước muốn và hy vọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn khởi nghiệp của người đó (Peng và cộng sự, 2019). Kong và cộng sự (2020) cho rằng, ý định khởi nghiệp là một trạng thái tâm lý, nó hướng sự chú ý của người khởi nghiệp đến mục tiêu kinh doanh nhất định để đạt được kết quả kinh doanh.
Sinh viên
Theo Từ điển tiếng Việt, tất cả những người đang học đại học, dù chính quy hay không chính quy, già hay trẻ, đang học tại trường phổ thông hay các cơ sở giáo dục đại học khác, đều là sinh viên (Hoàng Phê, 2010). Dương Thị Diệu Hoa và cộng sự (2019) cho rằng, sinh viên là những người đang chuẩn bị cho một hoạt động mang lại lợi ích vật chất hay tinh thần của xã hội. Các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất hay hoạt động xã hội của họ đều phục vụ cho việc chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động mang tính nghề nghiệp của mình sau khi kết thúc quá trình học trong các trường nghề. Luật Giáo dục Đại học (2019) khái niệm, sinh viên là những học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hệ thống: cao đẳng, đại học. Lê Quang Hùng (2021) nhận định, sinh viên là người đi học đại học, cao đẳng chuyên sâu về một nghề nào đó để khi ra trường có thể phụng sự xã hội.
Ý định khởi nghiệp giữa nam sinh và nữ sinh
Zhang và cộng sự (2009), Sullivan và Meek (2012) cho rằng, khi so sánh với nam, nữ sẽ có mức ảnh hưởng cao hơn trong ý định khởi nghiệp. Nghiên cứu của Strobl và cộng sự (2012) kết luận rằng, nam giới có ý định khởi nghiệp cao hơn đáng kể so với nữ giới, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 20% trong số các công ty mới thành lập ở các nước trên thế giới. Tương tự, nam giới thể hiện thái độ tích cực hơn đối với vấn đề khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp cũng cao hơn. Ngoài ra, phụ nữ có xu hướng nhận thức những rào cản khác nhau đối với khởi nghiệp (Shinnar và cộng sự, 2012). Nghiên cứu khác của Maes và cộng sự (2014) chứng minh thái độ cá nhân và sự kiểm soát hành vi giải thích ý định khởi nghiệp của nữ yếu hơn của nam, vì phụ nữ khởi nghiệp mong muốn cân bằng các giá trị xã hội hơn nam (dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, con cái...), nên phụ nữ trong khởi nghiệp ít thành tựu hơn nam. Nữ giới tương đối ưu tiên hơn việc giữ quyền tự chủ và cân bằng nhu cầu trong công việc và gia đình. Nam giới coi trọng sự nghiệp kinh doanh nhiều hơn như một phương tiện để đạt được sự giàu có và mong muốn có một công việc đầy thách thức. Song sự khác biệt về giới tính trong ý định khởi nghiệp có lẽ là chủ đề nghiên cứu còn khá đơn lẻ (Liñán và Fayolle, 2015).
Lê Duy Thắng và cộng sự (2019) đã chỉ ra rằng, nam giới và nữ giới khác nhau về động lực trở thành doanh nhân: Nữ giới chọn kinh doanh để cân bằng giữa công việc và gia đình, trong khi nam giới tìm kiếm sự giàu có. Nhìn chung, dường như cả nam giới và phụ nữ đều coi kinh doanh là một phương tiện để “tiến lên” (song, đàn ông mạnh mẽ hơn phụ nữ). Nhìn chung có sự mâu thuẫn rõ ràng trong kết quả của các nghiên cứu về giới tính ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp. Tuy nhiên, mỗi đối tượng sẽ có những đặc điểm tâm lý khác nhau và bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan khác. Nhưng, hầu như nữ sinh có ý định khởi nghiệp thấp hơn hẳn so với nam sinh.
Lý thuyết về hành vi có kế hoạch (TPB)
Trong lĩnh vực nghiên cứu ý định khởi nghiệp, một trong những mô hình được áp dụng và sử dụng rộng rãi nhất là TPB của Ajzen (1991). Có 3 nhân tố tác động đến ý định hành động gồm: (i) Thái độ đối với hành vi: nhân tố đánh giá hoặc đánh giá hành vi được đề cập mức độ tốt hay xấu của một người; (ii) Chuẩn chủ quan: đề cập đến những áp lực từ xu thế và trào lưu đang hiện hành của xã hội hoặc từ những người ảnh hưởng đến cá nhân nên thực hiện hoặc không nên thực hiện; (iii) Nhận thức kiểm soát hành vi theo nhận thức: thể hiện nhận thức của cá nhân về mức độ thực hiện hành vi.
Lý thuyết hành động hợp lý (TRA)
TRA được Ajzen và Fishbein phát triển vào năm 1977. Trọng tâm của TRA cho thấy, yếu tố quyết định trực tiếp quan trọng nhất của hành vi là ý định hành vi. Trong đó, có 2 nhân tố cơ bản tác động trực tiếp đến ý định hành vi gồm: Thái độ trực tiếp của cá nhân đối với việc thực hiện hành và Chuẩn chủ quan gắn liền với một hành vi.
Mô hình lý thuyết sự kiện khởi nghiệp (EET)
EET của Shapero và Sokol (1982) giải thích nguyên nhân và cách thức tạo ra những hoạt động kinh doanh mới. Sự kiện khởi nghiệp xảy ra phụ thuộc vào cảm nhận mong muốn cá nhân, tính khả thi và xu hướng hành động. Cảm nhận về mong muốn đề cập đến mức độ mà một cá nhân cảm thấy bị thu hút khi trở thành một doanh nhân và phản ánh sở thích của cá nhân đối với hành vi kinh doanh. Còn tính khả thi đề cập đến mức độ mà các cá nhân tự tin rằng họ có thể bắt đầu kinh doanh của riêng mình và coi khả năng trở thành một doanh nhân là khả thi (Shapero và Sokol, 1982). Từ cơ sở đó, một người độc lập có ý định trở thành một doanh nhân đòi hỏi sự kiện hành động phải được nhận thức đúng đắn, đáng mong đợi và có tính khả thi (Solesvik và cộng sự, 2014).
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu đi trước, các lý thuyết liên quan và thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh các trường đại học TP. Hồ Chí Minh như Hình.
Nguồn: Tác giả nghiên cứu đề xuất
Theo đó, các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Thái độ cá nhân có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
H2: Chuẩn chủ quan có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
H3: Môi trường giáo dục có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
H4: Nguồn vốn có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
H5: Sự tự chủ có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
H6: Nhận thức tính khả thi có tác động cùng chiều đến Ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành khảo sát sinh viên nữ tại TP. Hồ Chí Minh bằng bảng câu hỏi khảo sát trực tuyến qua Google Form kết hợp với thu thập thông tin trực tiếp để đảm bảo đủ số lượng mẫu đạt độ tin cậy và kịp tiến độ thời gian cho quá trình xử lý và phân tích dữ liệu. Kết quả thu về là 421 phiếu. Sau khi sàng lọc các phiếu trả lời, có 21 bảng không hợp lệ do trả lời cùng một mức độ cho tất cả các câu hỏi hoặc bị thiếu nhiều thông tin. Kết quả là có 400 phiếu khảo sát hợp lệ. Sau đó, nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS đánh giá độ tin cậy của các thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), xây dựng mô hình hồi quy để xác định các yếu tố tác động và mức độ tác động của các yếu tố đó đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học tại TP. Hồ Chí Minh.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định độ tin cậy thang đo
Kết quả đánh giá độ tin cậy của các thang đo được tóm tắt ở Bảng1.
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy của các thang đo
bằng hệ số Cronbach’s Alpha
Thang đo | Số biến quan sát ban đầu | Số biến quan sát còn lại | Hệ số Cronbach's Alpha | Hệ số tương quan biến tổng nhỏ nhất |
TDCN | 4 | 4 | 0,755 | 0,491 |
CCQ | 3 | 3 | 0,670 | 0,424 |
MTGD | 4 | 4 | 0,782 | 0,488 |
NV | 3 | 3 | 0,719 | 0,476 |
STC | 6 | 6 | 0,828 | 0,567 |
NTKT | 5 | 5 | 0,762 | 0,392 |
YDKN | 3 | 3 | 0,643 | 0,441 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Kết quả phân tích Cronbach's Alpha cho thấy, có 2 thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha là Ý định khởi nghiệp (0,643), Chuẩn chủ quan (0,670) có độ tin cậy chấp nhận được và các thang đo còn lại có độ tin cậy tốt (0,719-0,828). Sau khi đánh giá độ tin cậy của các thang đo (gồm 28 biến quan sát), các biến quan sát này được đưa vào phân tích EFA.
Phân tích EFA
Các thang đo của biến độc lập đã đạt độ tin cậy tiếp tục được đưa vào phân tích EFA. Kết quả phân tích lần thứ hai và cũng là lần cuối được trình bày ở Bảng 2, 3 và 4.
Bảng 2: Hệ số KMO và kiểm định Bartlett của biến độc lập lần cuối
Hệ số KMO | 0,864 | |
Kiểm định Bartlett | Giá trị Chi-Square | 3333,192 |
Bậc tự do | 276 | |
Sig. | 0,000 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Bảng 3: Tổng phương sai trích biến độc lập lần cuối
Thành phần | Hệ số Eigenvalues khởi tạo | Chỉ số sau khi trích | ||||
Tổng | % phương sai | % phương sai tích lũy | Tổng | % phương sai | % phương sai tích lũy | |
1 | 6,785 | 28,271 | 28,271 | 6,785 | 28,271 | 28,271 |
2 | 1,78 | 7,415 | 35,687 | 1,780 | 7,415 | 35,687 |
3 | 1,754 | 7,309 | 42,995 | 1,754 | 7,309 | 42,995 |
4 | 1,617 | 6,739 | 49,735 | 1,617 | 6,739 | 49,735 |
5 | 1,374 | 5,726 | 55,461 | 1,374 | 5,726 | 55,461 |
6 | 1,181 | 4,920 | 60,381 | 1,181 | 4,920 | 60,381 |
7 | 0,89 | 3,709 | 64,090 |
|
|
|
… | … | … | … | … | … |
|
Bảng 4: Ma trận xoay nhân tố
Biến quan sát | Nhân tố | |||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | |
STC5 | 0,753 |
|
|
|
|
|
STC6 | 0,709 |
|
|
|
|
|
STC2 | 0,683 |
|
|
|
|
|
STC4 | 0,674 |
|
|
|
|
|
STC3 | 0,659 |
|
|
|
|
|
STC1 | 0,643 |
|
|
|
|
|
MTGD3 |
| 0,807 |
|
|
|
|
MTGD2 |
| 0,792 |
|
|
|
|
MTGD1 |
| 0,666 |
|
|
|
|
MTGD4 |
| 0,598 |
|
|
|
|
TDCN2 |
|
| 0,759 |
|
|
|
TDCN1 |
|
| 0,702 |
|
|
|
TDCN3 |
|
| 0,688 |
|
|
|
TDCN4 |
|
| 0,651 |
|
|
|
NTKT4 |
|
|
| 0,809 |
|
|
NTKT3 |
|
|
| 0,694 |
|
|
NTKT2 |
|
|
| 0,690 |
|
|
NTKT5 |
|
|
| 0,659 |
|
|
NV2 |
|
|
|
| 0,805 |
|
NV1 |
|
|
|
| 0,793 |
|
NV3 |
|
|
|
| 0,656 |
|
CCQ2 |
|
|
|
|
| 0,797 |
CCQ1 |
|
|
|
|
| 0,774 |
CCQ3 |
|
|
|
|
| 0,614 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Kết quả cho thấy, hệ số KMO = 0,864 > 0,5, kiểm định Bartlett có Sig. < 0,05, các nhân tố đều có giá trị Eigenvalues > 1. Tổng phương sai trích đạt được 60,381%, trọng số nhân tố của các biến quan sát đều ≥ 0,5 và chênh lệch trọng số của tất cả các biến đều > 0,3. Vì vậy, ngoại trừ biến TKT1 đã bị loại, tất cả các biến quan sát đều thỏa điều kiện phân tích EFA.
Phân tích hồi quy
Các nhân tố sau khi được gom biến sẽ được đưa vào phân tích mô hình hồi quy đa biến (Bảng 5). Kết quả phân tích thu được như sau: Hệ số Durbin-Watson = 1,824 nằm trong khoảng [1;3], nên mô hình có phần dư không tự tương quan; tất cả các biến độc lập trong mô hình đều có hệ số Tolerance > 0,5 và hệ số VIF < 2, vì vậy, mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến; hệ số R2 điều chỉnh = 0,567 có nghĩa là mô hình phù hợp với tập dữ liệu là 56,7% hay các biến độc lập giải thích được 56,7% ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; còn lại là do sai số và các yếu tố khác. Để kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính bội, nghiên cứu dùng giá trị Sig. của phân tích ANOVA để đánh giá. Kết quả phân tích trên cho thấy, giá trị Sig. < 0,05, nên mô hình có ý nghĩa thống kê và có thể suy rộng ra cho tổng thể. Kết quả phân tích ma trận tương quan cho thấy, các biến độc lập có tương quan từ mức trung bình đến khá mạnh (> 0,3 và < 0,7). Hệ số Sig. giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc đều < 0,01, nên mối tương quan tuyến tính giữa chúng là rất chặt chẽ.
Bảng 5: Kết quả phân tích hồi quy
Mô hình | Hệ số chưa chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn | Beta | Hệ số Tolerance | Hệ số VIF | ||||
1 | Hằng số 0,5 | 0,647 | 0,124 |
| 5,225 | 0,000 |
|
|
STC | 0,245 | 0,035 | 0,286 | 6,981 | 0,000 | 0,649 | 1,542 | |
MTGD | 0,160 | 0,032 | 0,198 | 5,033 | 0,000 | 0,703 | 1,423 | |
TDCN | 0,123 | 0,027 | 0,182 | 4,500 | 0,000 | 0,664 | 1,507 | |
NTKT | 0,122 | 0,028 | 0,166 | 4,291 | 0,000 | 0,729 | 1,373 | |
NV | 0,080 | 0,023 | 0,129 | 3,486 | 0,001 | 0,797 | 1,254 | |
CCQ | 0,084 | 0,024 | 0,131 | 3,526 | 0,000 | 0,786 | 1,271 |
Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu
Giá trị Sig. của tất cả các biến độc lập đều < 0,05 chứng tỏ các hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê. Phương trình hồi quy chuẩn hóa được xác định như sau:
YDKN = 0,286*STC + 0,198*MTGD + 0,182*TDCN + 0,166*NTKT
+ 0,129*NV + 0,131*CCQ
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chịu tác động cùng chiều của 6 yếu tố theo thứ tự giảm dần là Sự tự chủ; Môi trường giáo dục; Thái độ cá nhân; Nhận thức tính khả thi; Chuẩn chủ quan và Nguồn vốn. Như vậy, các yếu tố trên đều đóng một vai trò nhất định tác động đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh.
Hàm ý quản trị
Trên cơ sở kết quả đạt được, nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị để nhà trường, gia đình, xã hội và các nhà quản trị có thể hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao hơn nữa ý định cũng như tinh thần khởi nghiệp của nữ sinh đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Để khơi dậy và thúc đẩy ý định khởi nghiệp của nữ sinh đại học tại TP. Hồ Chí Minh, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đầu tiên, tinh thần tự chủ cần được nuôi dưỡng qua việc khuyến khích trải nghiệm thực tế, giảm sự phụ thuộc tài chính từ gia đình và tạo cơ hội tham gia các chương trình khởi nghiệp có định hướng lâu dài. Tiếp theo, giáo dục hiện đại cần được nâng tầm với các khóa học mang tính ứng dụng, không gian hỗ trợ sáng tạo và sự kết nối chặt chẽ với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thái độ cá nhân cần được chuyển hóa tích cực hơn, giúp nữ sinh kiên định trước thất bại và tự tin theo đuổi ước mơ. Nhận thức về tính khả thi cũng cần được bồi đắp thông qua trải nghiệm thực tiễn và các chương trình hỗ trợ từ nhà trường và cộng đồng khởi nghiệp. Thêm vào đó là sự đồng thuận từ môi trường xung quanh đóng vai trò như nguồn cảm hứng mạnh mẽ nếu nó được xây dựng qua các cố vấn giàu kinh nghiệm và câu chuyện thành công thực tế. Cuối cùng, bài toán nguồn vốn cần được giải quyết qua sự hỗ trợ từ gia đình, tổ chức tín dụng và các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Những giải pháp này không chỉ thắp sáng tinh thần khởi nghiệp, mà còn mở lối cho nữ sinh vững vàng bước vào hành trình xây dựng tương lai tự chủ và bền vững (Vuong và Nguyen, 2024)./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ajzen (1991), Theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision, 50, 179-211.
2. Ajzen and Fishbein (1977), Belief, attitude, intention, and behavior: An introduction to theory and research, Philosophy and Rhetoric, 10(2).
3. Akinbola OA, Sanni SA, and Akinbola SO (2020), Nexus of Born Global Entrepreneurship Firms and Economic Development in Nigeria, Ekonomicko-manazerske spektrum, 14(1), 52-64.
4. Barringer and Ireland (2010), Entrepreneurship: Successfully launching new ventures, Pearson.
5. Britannica T. (2020), Editors of Encyclopaedia, Argon, Encyclopedia Britannica.
6. Chhabra S., Raghunathan R., and Rao N. V. M. (2020), The antecedents of entrepreneurial intention among women entrepreneurs in India, Asia Pacific Journal of Innovation and Entrepreneurship, 14(1), 76-92.
7. Dubey and Shahu (2022), Examining the effects of demographic, social and environmental factors on entrepreneurial intention, Management Matters, 19(1), 91-108.
8. Ferreira, N. M. (2022), What Is Entrepreneurship? Detailed Definition and Meaning, retrieved from https://www.oberlo.com/blog/what-is-entrepreneurship.
9. GEM (2023), GEM report highlights 25 years of progress in women’s entrepreneurship, retrieved from https://www.gemconsortium.org/reports/womens-entrepreneurship.
10. Hoàng Phê (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.https://kynangquantri.com/khoi-nghiep-la-gi.html.
11. Koe et al. (2012), Determinants of entrepreneurial intention among millennial generation, Procedia - Social and Behavioral Sciences, 40, 197-208.
12. Kong, F., Zhao, L., and Tsai, C. H. (2020), The relationship between entrepreneurial intention and action: the effects of fear of failure and role model, Frontiers in Psychology, 11, 229.
13. Lê Duy Thắng, Nguyễn Thị Kiều Trang và Tạ Thị Lâm Nhi (2019), Ảnh hưởng của giới tính tới ý định khởi nghiệp của sinh viên Hà Nội, DOI: 10.31219/osf.io/89txy.
14. Lê Quang Hùng (2021), Enhancing Start-Up Intention of Private University Students in Vietnam, Design Engineering, 8, 4150-4165.
15. Linan, F., and Fayolle, A. (2015), A systematic literature review on entrepreneurial intentions: citation, thematic analyses, and research agenda, International Entrepreneurship and Management Journal, 11(4), 907-933.
16. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục, Luật số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.
17. Maes, J., Leroy, H., and Sels, L. (2014), Gender differences in entrepreneurial intentions: A TPB multi-group analysis at factor and indicator level, European Management Journal, 32(5), 784-794.
18. Mansori et al. (2017), Factors that can influence young women’s intention to become entrepreneur, BERJAYA Journal of Services & Management, 7, 3-20.
19. Marusic, B., and Schwenkler, J. (2018), Intending is believing: A defense of strong cognitivism, Analytic Philosophy, 59(3), 309-340.
20. Nguyễn Linh (2022). Khởi nghiệp là gì? Đặc điểm và 6 lưu ý khi khởi nghiệp, truy cập từ https://kynangquantri.com/khoi-nghiep-la-gi.html.
21. Nguyễn Phương Mai, Lưu Thị Minh Ngọc và Trần Hoàng Dũng (2018), Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh viên ngành quản trị kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 49.
22. Omorede, A. (2014), Exploration of motivational drivers towards social entrepreneurship, Social Enterprise Journal, 10(3), 239-267.
23. Peng et al. (2019), Determinants of social entrepreneurial intentions for educational programs, J. Public Aff, 19(2), 1-11.
24. Rutigliano, N. K. H., and Frost, A. (2017), Leading with Intention: The Power of Must, Will, and Now, In Encyclopedia of Strategic Leadership and Management, 417-433.
25. Schlaegel et al. (2014), Determinants of entrepreneurial intent: A meta-analytic test and integration of competing models, Entrepreneurship Theory and Practice, 38(2), 291-332.
26. Shabnaz, S., and Islam, N. (2021), A study on entrepreneurial intention of university students in Bangladesh, International Business Research, 14(10), 13-24.
27. Shapero and Sokol (1982), The social dimensions of entrepreneurship, In Kent, CA; Sexton, DL y Vespert, KH (eds.), Encyclopedia of Entrepreneurship.
28. Shinnar et al. (2012), Entrepreneurial perceptions and intentions: The role of gender and culture, Entrepreneurship Theory and Practice, 36, 465-493.
29. Solesvik et al. (2014), Cultural factors and entrepreneurial intention: The role of entrepreneurship education, Education+Training.
30. Strobl, A., Kronenberg, C., and Peters, M. (2012), Entrepreneurial attitudes and intentions: Assessing gender-specific differences, International Journal of Entrepreneurship and Small Business, 15, 452-468.
31. Sullivan, D. M., and Meek, W. R. (2012), Gender and entrepreneurship: a review and process model, Journal of Managerial Psychology, 27.
32. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.
33. Zhang et al. (2009), The genetic basis of entrepreneurship: Effects of gender and personality, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 110(2), 93-107.
Ngày nhận bài: 26/12/2024; Ngày phản biện: 12/01/2025; Ngày duyệt đăng: 22/01/2025 |