Trường Đại học Điện lực tổ chức thành công các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo
Vừa qua, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức thành công các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên; start-up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án 844 - “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” mà Trường Đại học Điện lực được giao chủ trì tổ chức thực hiện nhằm “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ hội nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Đồng thời, nhằm mục đích nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển nhận thức, tư duy về đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của các cơ sở đào tạo.
Khai giảng các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo thuộc nhiệm vụ Đề án 844 |
Khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên; start-up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp diễn ra từ ngày 23/10/2023 đến ngày 28/10/2023 đã thu hút 30 giảng viên tới từ các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng như: Đại học Điện lực; Đại học Thương mại; Đại học Mỏ - Địa chất; Đại học Công nghiệp Việt Trì; Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định;… và 30 học viên là các start-up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đánh giá cao về công tác chuẩn bị và biểu dương tinh thần học tập của các học viên. |
Dưới sự đào tạo của đội ngũ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các học viên được đào tạo các nội dung rất thực tiễn: Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; Tư duy thiết kế (Design Thinking); Phân tích khách hàng;
Tổng quan về mô hình kinh doanh và xây dựng kế hoạch kinh doanh; Văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Quản lý vốn và tài chính cơ bản; Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Một số kỹ năng cần thiết trong cố vấn khởi nghiệp; Thực hành cố vấn, hỏi đáp cùng chuyên gia.
Bên cạnh đó, các start-up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được các chuyên gia đào tạo về các chuyên đề: Chân dung doanh nhân trong kỷ nguyên AI; Lập kế hoạch kinh doanh; Kỹ năng gọi vốn thành công; Quản trị dự án khởi nghiệp; Những vấn đề pháp lý khi khởi nghiệp và lời khuyên dành cho start-up; Xây dựng kế hoạch marketing hiệu quả; Thực hành lập kế hoạch và triển khai dự án khởi nghiệp; hỏi đáp cùng chuyên gia.
Các học viên lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích từ các chuyên gia |
Phát biểu tại lễ bế giảng các khóa đào tạo, ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đánh giá cao về công tác chuẩn bị, công tác tổ chức đào tạo rất chu đáo của Trường Đại học Điện lực, cũng như biểu dương tinh thần học tập của các học viên.
“Hy vọng rằng, thông qua nhiệm vụ này, Trường Đại học Điện lực sẽ sớm xây dựng giải pháp cho sự bền vững thông qua thành lập mạng lưới chuyên gia đủ năng lực giúp hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp có tư duy tốt hơn về góc độ thị trường và tiếp cận các nhà đầu tư hiệu quả”, ông Đàm Quang Thắng nhấn mạnh.
Bế giảng khóa đào tạo |
Thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã có những hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên thông qua các khóa đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp dành cho sinh viên EPU hằng năm, triển khai các Talkshow, Hội thảo về tư duy khởi nghiệp…
Đồng thời, không ngừng đổi mới mở rộng cách thức tổ chức, cập nhật kiến thức xã hội. Trên chặng đường hình thành và phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Điện lực đã có những dấu ấn hết sức đậm nét.
Khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên; start-up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc nhiệm vụ Đề án 844 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hy vọng với những kiến thức bổ ích từ khóa đào tạo, đội ngũ giảng viên trẻ; sinh viên; start up; dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ vận dụng sáng tạo để nâng cao năng lực khởi nghiệp cho bản thân và mang lại hiệu quả tại các đơn vị; góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam bền vững.