Sokfarm và hành trình “gieo mật” từ hoa dừa: Khởi nghiệp xanh bắt đầu từ điều gần gũi nhất
Từ những mảnh vườn dừa ở vùng đất Trà Vinh đầy nắng gió, Sokfarm, một startup khởi nghiệp xanh do hai người trẻ sáng lập đã tìm thấy con đường riêng từ những điều thân thuộc: Mật hoa dừa.
Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với anh Phạm Đình Ngãi - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), để nghe anh chia sẻ về hành trình khởi nghiệp xanh, những bài học vượt qua thách thức, và khát vọng đưa đặc sản bản địa vươn xa theo hướng phát triển bền vững.
Khởi nghiệp từ mật hoa dừa
+ Điều gì đã truyền cảm hứng cho Sokfarm khi lựa chọn con đường khởi nghiệp xanh với sản phẩm mật hoa dừa?
- Các sản phẩm nông nghiệp truyền thống nói chung và trái dừa nói riêng đều có chu kỳ tăng - giảm 5 năm/lần. Năm 2018, chu kỳ “đáy” của trái dừa xuất hiện. Vào thời điểm đó, giá trái dừa tại Trà Vinh xuống rất thấp, chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/chục(*) tương đương 1.600 - 2.500 đồng/trái. Ngay cả với mức giá rẻ như vậy cũng rất khó bán.
Vào thời điểm đó, chị Thạch Thị Chal Thi (Co-founder Sokfarm) đã rất xót xa khi chứng kiến cảnh dừa chín rụng đầy vườn, mọc mầm rồi vứt bỏ.
Không chỉ bản thân chị Chal Thi, ngay cả bố mẹ chị và nhiều người nông dân khác trông chờ vào trái dừa cũng gặp phải tình trạng tương tự. Vì vậy, chị Chal Thị tự đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tăng giá trị cho cây dừa quê hương mình?
Trong quá trình tìm hiểu, chị phát hiện nghề thu mật hoa dừa và sản xuất đường dừa đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, đường dừa đang rất được ưa chuộng, vì có lợi cho sức khỏe, chỉ số đường huyết lại thấp.
Trước những cơ hội đó đã thôi thúc chị Chal Thi tìm kiếm những người có cùng chung đam mê, cùng chung ý tưởng để khởi nghiệp, quyết tâm tạo thêm giá trị cho trái dừa, từ hoa mật dừa - một đặc sản nức tiếng của tỉnh Trà Vinh.
Anh Phạm Đình Ngãi và chị Thạch Thị Chal Thi, 2 nhà sáng lập của Sokfarm.
+ Vì sao Sokfarm chọn Trà Vinh làm địa bàn khởi nghiệp?
- Thứ nhất, Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước với hơn 25.000 ha, chỉ đứng sau tỉnh Bến Tre. Thế nhưng, toàn tỉnh không có nhiều xí nghiệp, nhà máy chế biến dừa.
Vì vậy, 95% tổng lượng dừa của Trà Vinh sẽ vận chuyển qua Bến Tre để chế biến hoặc bán cho thương lái. Tuy nhiên, nếu cứ mãi bán sản phẩm thô ra thị trường, giá trị cây dừa sẽ không cao và bấp bênh, giống như sự câu chuyện của năm 2018.
Thứ hai, nơi đây có nghề thu mật hoa dừa truyền thống trong cộng đồng người Khmer, nhưng đang dần mai một. Vì vậy, Sokfarm quyết định khởi nghiệp tại Trà Vinh, quê hương của chúng tôi.
Là người Khmer, chúng tôi muốn gìn giữ nghề cũ, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng của mình và phát triển một mô hình khởi nghiệp gắn với bản địa.
+ Quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm bắt đầu từ khi nào và những khó khăn lớn nhất là gì, thưa anh?
- Khó khăn lớn nhất của chúng tôi có lẽ chính là việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức. Bởi vì, tại Việt Nam từ trước tới nay chưa có ai làm làm sản phẩm từ mật hoa dừa cả.
Mặc dù chị Chal Thi là Thạc sĩ Công nghệ thực phẩm, đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM, còn tôi là Thạc sĩ Kỹ thuật điện, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, sự kết hợp này tưởng như “hoàn hảo”, thế nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi đã phải đối mặt với việc sai liên tục.
Ban đầu, chúng tôi đọc rất nhiều tài liệu khoa học quốc tế, nhưng khi làm thực tế thì mới nhận ra có nhiều điều lý thuyết không thể áp dụng ngay. Sáu tháng đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất của Sokfarm. Chúng tôi thử rất nhiều cách mà vẫn không thu được mật từ hoa dừa.
Cuối cùng, tôi tìm đến các sư trong chùa và những người lớn tuổi trong làng, những người từng biết cách khai thác mật hoa dừa thủ công. Họ chỉ dẫn tận tình và sau khi thử lại nhiều lần, chúng tôi dần hoàn thiện được kỹ thuật thu mật phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Khó khăn thứ hai và cũng rất lớn là thuyết phục nông dân. Ban đầu, bà con không tin vào mô hình của tôi. Họ sợ việc lấy mật sẽ làm hỏng hoa, mất trái, ảnh hưởng đến năng suất – điều đó cũng dễ hiểu vì đó là cách họ canh tác bao đời nay. Khi mình mang đến điều mới, thì người dân cần thời gian để quan sát và tin tưởng.
Để thuyết phục họ, tôi tự mình làm, tự sản xuất ra sản phẩm, rồi đem tặng chính những người nông dân đó dùng thử. Khi họ thấy sản phẩm đầu ra chất lượng, lại có đầu ra tiêu thụ rõ ràng, họ bắt đầu thay đổi suy nghĩ và tham gia.
Ngoài ra, Sokfarm cũng gặp những khó khăn chung như nhiều startup nông nghiệp khác: thiếu vốn đầu tư, khó khăn khi xây dựng xưởng, đưa sản phẩm mới ra thị trường mà chưa ai biết đến… Nhưng chính nhờ những thử thách đó mà chúng tôi học được cách kiên trì, đổi mới và kết nối cộng đồng tốt hơn.
Hãy khởi nghiệp từ những thứ gần gũi nhất
+ Trong quá trình khởi nghiệp, Sokfarm có nhận được hỗ trợ gì từ Nhà nước không, thưa ông?
- Chúng tôi gặp khó khăn với thủ tục hành chính rườm rà và hạn chế về năng lực pháp lý, tài chính trong giai đoạn đầu. Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ từ một số đơn vị trong tỉnh, chúng tôi có thêm đòn bẩy đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Đơn cử, chúng tôi nhận được hỗ trợ rất lớn từ Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, thông qua các chương trình khuyến công và quảng bá sản phẩm tại các hội chợ.
Sở Nông nghiệp của tỉnh cũng hỗ trợ chúng tôi trong quá trình tư vấn, chứng nhận hữu cơ hoặc sự hỗ trợ từ các dự án SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) tỉnh Trà Vinh như: Máy móc, nhà xưởng, marketing…
+ Sokfarm có kiến nghị gì với Nhà nước để thúc đẩy khởi nghiệp xanh tại Việt Nam?
- Khởi nghiệp xanh là một hành trình đầy thách thức, bởi các doanh nghiệp phải liên tục cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đây không phải là bài toán dễ, nhất là trong giai đoạn đầu khi nguồn lực hạn chế và mô hình còn mới mẻ.
Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp nông nghiệp xanh, từ hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, miễn giảm thuế đến đơn giản hóa thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050, việc hỗ trợ các startup xanh không chỉ là khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn mà còn là hành động thiết thực để hiện thực hóa cam kết quốc gia.
Nếu được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với truyền thông, quảng bá thương hiệu và các chương trình đào tạo, khởi nghiệp xanh sẽ có cơ hội lan tỏa mạnh mẽ hơn.
+ Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh tại quê hương mình?
- Thế giới đang thay đổi rất nhanh theo hướng ưu tiên sản phẩm xanh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và mang đậm bản sắc địa phương. Nếu bạn trẻ nào có ý định về quê khởi nghiệp, hãy bắt đầu từ chính những sản vật bản địa, thứ tưởng chừng rất quen thuộc nhưng lại chứa đựng giá trị văn hóa, câu chuyện con người và tiềm năng phát triển bền vững vô cùng lớn.
Ngày nay, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã khá đầy đủ, từ các chương trình đào tạo tài chính, marketing, bán hàng cho đến hỗ trợ pháp lý và kết nối thị trường. Các bạn trẻ nên tận dụng nguồn lực này, đồng thời giữ vững đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi tin rằng, nếu làm đúng cách, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thị trường quốc tế với vị thế mới.
+ Xin cảm ơn anh!
* Đơn vị tính tại Trà Vinh: Một chục/12 trái