Phụ nữ 11 tỉnh, thành phố cùng hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số
Cùng với sự tham gia hỗ trợ tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các tỉnh, thành phố, sự đồng hành của lãnh đạo chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo.
Ngày 8/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo".
Thúc đẩy kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” lần thứ 4 với sự tham gia thực hiện của phụ nữ Hà Nội và các thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, hội thảo là dịp để chúng ta giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội LHPN trong hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh Anh |
Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình hành động của các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định, phụ nữ vùng đồng bằng sông Hồng phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, luôn có tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu vươn lên, chịu thương, chịu khó, cần cù, thông minh, sáng tạo. Họ cũng là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trong vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định. Vùng có diện tích chiếm 6,42% diện tích cả nước; nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt, nơi tập trung đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao. |
Trong những năm qua, bám sát chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các tỉnh ủy, thành ủy, Hội LHPN các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng đã tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước.
Điển hình, các đơn vị đã hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án 939 của Chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; gần đây là đề án của Chính phủ về Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Cùng với đó, các Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tăng cường giao lưu, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, tham gia công tác an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội.
Hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số, tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường...
Quang cảnh hội thảo |
Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích những khó khăn thách thức và giải pháp phát huy vai trò, tăng cường kết nối giữa phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ, Hội nữ doanh nhân, Hiệp hội làng nghề trong tham gia phát triển kinh tế địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ, thời gian qua cấp ủy, chính quyền quận triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế của quận, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị các làng nghề truyền thống. Quận ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP để kết nối tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ” với 56 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể, 2 sản phẩm được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể. Trong thành quả ấy không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của tổ chức hội phụ nữ, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm của Quận ủy, HĐND, UBND quận trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo.
"Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương, các mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ quận Tây Hồ trong nhiều năm qua đã thực sự đạt hiệu quả, tạo thêm nguồn kinh tế giúp gia đình vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế trên địa bàn quận. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Quận ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới; quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; xác định những ngành, lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ để phụ nữ không ngừng nỗ lực, tự nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo nghề nghiệp để từ đó vươn lên", Bí thư quận ủy Tây Hồ khẳng định.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Xuân Thu thông tin, do đặc điểm văn hóa truyền thống Bắc Ninh, phụ nữ có vai trò nhất định trong kinh doanh. Vì vậy phát huy vai trò của phụ nữ trong hoạt động khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng cho phong trào phụ nữ cũng như sự phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 1.600 doanh nghiệp do nữ làm chủ; 62 làng nghề truyền thống (lao động nữ chiếm trên 80%); có trên 12.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động (có khoảng 40% hộ kinh doanh do nữ làm chủ ); có 699 hợp tác xã, đại đa số các hợp tác xã đều có phụ nữ trong Hội đồng quản trị, ban giám đốc. Từ thực tế trên, tỉnh xác định các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp là động lực chính phát triển kinh tế trong tương lai, đồng hành của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.