Ninh Bình: Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế
Ngày 29/9, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo khoa học "Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình - Vấn đề và giải pháp".
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, địa phương sở hữu giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú; hơn 40% diện tích là rừng quốc gia, dự trữ sinh quyển, đất lâm viên, đất ngập nước.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2035, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới nổi gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ. Đây là cơ sở pháp lý, tiền đề, lợi thế để tỉnh khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, từng bước định hình mô hình phát triển xanh, thông minh, tuần hoàn, hài hòa, bền vững...
Đến nay, ngưỡng phát triển của Ninh Bình đòi hỏi phải có đột phá về tư duy, tầm nhìn, động lực phát triển dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trọng tâm là thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các thành tựu khoa học, công nghệ, ý tưởng đổi mới sáng tạo gắn với khởi tạo đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo trong nhà làm hạt nhân, lấy phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời làm động lực.
Ninh Binh mong muốn, thông qua hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư để thực hiện những mục tiêu đã xác định rõ trong Quy hoạch. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư về mức độ sẵn sàng của Ninh Bình, từ đó mời gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhất là về phát triển ngành kinh tế mới nổi dựa trên động lực đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các thành tựu khoa học, công nghệ.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh chia sẻ, hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia hiệu quả, liên kết chặt chẽ giữa các thành phần đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo lập hơn 3.800 doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ, khát vọng vươn lên.
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và gần 20 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của các địa phương; 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang trở thành các tổ chức dẫn dắt, kết nối nguồn lực. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.
Ông Hoàng Minh thông tin, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025). Trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hóa, luật hoá các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, mô hình quỹ quốc gia về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công...
Bộ đề nghị Ninh Bình và các địa phương đồng hành, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động, bền vững, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực, đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào hai chuyên đề: Các nội dung về xây dựng, quản trị, vận hành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình; các nội dung chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo trên một số lĩnh vực.
Thông qua hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, khai thác tối ưu hóa nguồn lực, tư vấn từ các chuyên gia; đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo “xanh” tại Ninh Bình, hướng đến xây dựng Ninh Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, và các đối tác quốc tế, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, của vùng và của đất nước.