A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai

Lễ bỏ mả là nghi thức quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai, chứa đựng những yếu tố văn hóa nghệ thuật và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lễ bỏ mả của dân tộc Raglai được thể hiện bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, trình diễn... với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết.

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Lễ bỏ mả với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Theo quan niệm của người Raglai, nếu không làm lễ bỏ mả thì linh hồn người đã mất vẫn còn ở nhân thế chưa thể về thế giới bên kia đoàn tụ với tổ tiên. Cho nên cần phải làm lễ bỏ mả để đưa tiễn linh hồn, chấm dứt mọi ràng buộc với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian chưa làm lễ bỏ mả, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên. Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chồng hoặc người vợ được người quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do của mình.

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Thầy cúng tiến hành nghi thức trong lễ bỏ mả

Người Raglai có cuộc sống mang tính cộng đồng, nên trong nghi lễ bỏ mả phải tập trung đầy đủ những người trong làng cùng tham dự để chia tay người đã khuất và thực hiện các nghi lễ một cách đầy đủ, trang trọng. Trong lễ bỏ mả những lễ vật và vật dụng được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng. Lễ vật gồm: Rượu thịt, trầu cau, đầu heo, cơm tẻ, bánh tét, bánh tráng thịt trâu, thịt gà… người trong làng dựng nhà mồ, làm Kagor. Kagor được làm bằng gỗ, có hình dáng chiếc thuyền chạm khắc rất đẹp và công phu, trên bề mặt lòng thuyền là cái nhà trong đó nhà ở giữa có hai tầng. Ngoài ra, Kagor còn có hình chim muông và một số con vật khác được chạm khắc trang trí bên hông thuyền và trên nóc. Kagor là biểu tượng tài sản tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết với ước mong người chết sẽ được sống sung sướng, đầy đủ như mong ước chung của người Raglai. Thường lễ bỏ mả được thực hiện trong 3 ngày với những nghi thức khác nhau, mỗi nghi thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền từ đời này sang đời khác và bảo lưu một cách nguyên vẹn. Trong đó, ngày đầu là ngày chuẩn bị lễ vật và thông báo đến các anh em bạn bè gần xa cùng đến chung vui và tiễn đưa người chết. Trong ngày đầu, già làng thực hiện nghi lễ cúng hồn, thông báo về nhà mồ, về ngày, giờ diễn ra lễ bỏ mả để người chết biết mà đến đón nhận những lễ vật. Sau đó là nghi thức múa, khóc tế và khấn vái để cầu xin ông bà tổ tiên cho linh hồn người chết về với tổ tiên ở bên kia thế giới.

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Tấu cồng chiêng trong lễ bỏ mả

Ngày thứ hai trong lễ bỏ mả được xem là ngày lễ quan trọng, trong ngày này bà con hàng xóm láng giềng cùng đến ăn bữa cơm để chia tay người chết. Già làng cùng đoàn người thân trong gia đình đến nhà mồ khóc tế, múa mã la (cồng chiêng) để rước hồn người chết về nhà ăn cơm. Lễ này, tất cả mọi người phải tham gia đông đủ để gặp gỡ và chia tay người chết lần cuối cùng. Mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát bên đống lửa và ché rượu cần mừng cho người đã mất được siêu thoát.

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Đưa lễ vật và Kagor ra nhà mồ
Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Nghi lễ chia tay người chết tại nhà mồ

Ngày thứ ba được xem là ngày chia tay vĩnh viễn người chết. Những người đàn ông khiêng lễ vật ra nhà mồ, bày lễ vật ra xung quanh. Mọi người đứng thành vòng xung quanh nhà mồ khấn vái để chia tay linh hồn người chết. Trong ngày này bao giờ cũng diễn ra tập tục mang tính truyền đời của người Raglai, đó là nghi lễ tiễn Kagor. Sau lễ bỏ mả là mọi quan hệ giữa linh hồn người chết và người còn sống sẽ cắt đứt, không có bất cứ ràng buộc hay lễ cúng nào nữa.

Ý nghĩ nhân văn trong lễ bỏ mả của người Raglai
Uống rượu mừng cho người chết được siêu thoát

Thông qua lễ bỏ mả của người Raglai có thể thấy đây là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn: Tái sinh cho người chết và giải phóng cho người sống. Lễ bỏ mả của dân tộc Raglai được tổ chức với mục đích như một nghi lễ mãn tang, thể hiện tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Lễ bỏ mả giàu giá trị nhân văn, độc đáo và đậm nét truyền thống của tộc người Raglai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tháng 10/2018.


Tác giả: Phạm Tiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết