Xử lý nghiêm “ma men” sau tay lái
Theo nhận định của cơ quan chức năng, vi phạm liên quan đến nồng độ cồn chủ yếu là do thói quen của người dân, nhất là vào mùa nắng nóng, việc tụ tập uống bia trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác là bắt nguồn từ tập tục văn hóa truyền thống sử dụng bia, rượu trong các ngày lễ, Tết...
“Phớt lờ” các quy định
Qua nhiều buổi ghi nhận thực tế cùng tổ công tác của các Đội Cảnh sát giao thông, phóng viên báo Lao động Thủ đô nhận thấy, mặc dù mức phạt khá cao, song tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn vẫn còn nhiều. Hầu hết khi đã vào tiệc nhậu là đồng ý chấp nhận “may rủi” nếu gặp lực lượng Cảnh sát giao thông, nếu năn nỉ bỏ qua không được thì đành… chịu phạt. Nhưng khi được hỏi về trách nhiệm khi lái xe, hoặc sử dụng cách an toàn hơn là nhờ người thân đón, hoặc đi taxi về thì nhiều “ma men” lại lắc đầu từ chối với lý do “phiền phức”. Không ít người coi thường tính mạng của bản thân và nguy hiểm tính mạng của người khác đã “phớt lờ” các quy định của pháp luật.
Các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt tuần tra kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn |
Điển hình như, khoảng 19h40 ngày 23/7, tại Km 188+300 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình - Cao Bồ - Mai Sơn, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 3- Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã yêu cầu dừng xe khách giường nằm loại 36 chỗ do lái xe Đặng Xuân Th (sinh năm 1983, trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển.
Qua đo nồng độ cồn, phát hiện lái xe Đặng Xuân Th vi phạm lỗi điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn 0,526 miligam/lít khí thở, cao gấp 1,315 lần mức phạt kịch khung quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP (là 0,4 miligam/lít khí thở). Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã lập biên bản xử phạt tài xế 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày với hành vi trên. Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 3, tại thời điểm phát hiện vi phạm, trên mỗi phương tiện đang chở trên xe hàng chục hành khách, điều này vô cùng nguy hiểm và coi thường tính mạng của bản thân mình và hành khách đi trên xe vì vi phạm nồng độ cồn tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ 20/6 đến 21/7, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện, xử lý gần 29.000 người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, qua đó phạt tiền hơn 127 tỉ đồng, tạm giữ hơn 28.500 phương tiện.Trong đó, có 205 trường hợp tài xế xe tải vi phạm; xe con 1.695 trường hợp; xe khách 38 trường hợp; xe container 8 trường hợp; xe mô tô 26.571 trường hợp...
Như vậy, tính trung bình trong đợt cao điểm này, mỗi ngày lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Đáng chú ý là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất chiếm 29,6% (8.471 trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn 382 trường hợp. Thời gian phát hiện các “ma men” nhiều nhất từ 18h-22h (17.703 trường hợp).
Người dân cần nâng cao ý thức
Theo Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý các chuyên đề, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ - đường sắt - đường thủy nội địa, nhất là vi phạm về nồng độ cồn và quá khổ, quá tải.
Toàn lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã xử lý 2.877 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Chỉ trong 1 tháng (từ 20/6 đến 20/7) triển khai, thực hiện Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, đã có 1.616 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, phạt tiền hơn 7 tỷ đồng,...
Là người trực tiếp tham gia nhiều kế hoạch kiểm tra xử lý nồng độ cồn, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 nhìn nhận, thực tế trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội, có nhiều trường hợp say tới mức không còn biết gì, hoặc nồng độ cồn quá cao, vượt quá mức kịch khung quy định.
Và trong số đó, cũng có những trường hợp chúng tôi cử cán bộ đưa người vi phạm về tận nhà để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ. Không ít trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức Nhà nước. Hoặc nhiều trường hợp khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý, ngay lập tức “gọi điện thoại cho người thân” để can thiệp, gây khó cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, các cán bộ chiến sĩ được quán triệt xử lý nghiêm, hoàn toàn không có “vùng cấm”, không có ưu tiên hay chịu bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện là lỗi vi phạm giao thông đường bộ rất nhiều người mắc phải. Nhiều “ma men” phóng xe trên đường trong sự bất an của những người xung quanh, và hậu quả là đã phải đánh đổi bằng cả cuộc đời… Theo luật sư Long, mức xử phạt hành chính đối với hành vi này cũng rất cao. Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà người vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu và những hậu quả nặng nề của nó thì ai cũng nghe, cũng biết, thế nhưng, nhiều người sau khi đã không còn đủ tỉnh táo vẫn tham gia giao thông. Say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo những án “tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Pháp luật đưa ra chế tài, mức phạt cao để giảm thiểu tác hại của rượu bia, song điều quan trọng nhất vẫn chính là ý thức mỗi người dân tự giác chấp hành pháp luật, tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vì tính mạng của chính mình và sự an toàn của xã hội./.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) nêu rõ, tại điểm c khoản 6; điểm c khoản 8; điểm a khoản 10; điểm e, g, h khoản 11 điều 5, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô mà có nồng độ cồn trong người sẽ bị xử phạt cao nhất từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Tại điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm e khoản 8; điểm đ, e, g khoản 10 điều 6, người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà có nồng độ cồn trong người sẽ bị xử phạt cao nhất từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng… |