Xét tuyển bằng học bạ vẫn được coi là 'mỏ vàng' để thu hút thí sinh ứng tuyển
Phương thức xét tuyển bằng điểm tổng kết học bạ vẫn được nhiều trường sử dụng, trong đó nhiều trường có kết hợp với điểm tổng kết học bạ với chứng chỉ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh nhằm hạn chế xét tuyển sớm và nâng cao chất lượng trong tuyển sinh đại học nhưng phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn được nhiều trường đại học sử dụng trong tuyển sinh.
Thống kê đến nay, dự kiến trong năm 2025 vẫn có gần 30 trường vẫn áp dụng hình thức xét tuyển này, trong đó có những trường TOP. Tuy nhiên, không đơn thuần lấy điểm tổng kết học bạ mà nhiều trường còn kèm theo tiêu chí phụ.
Đơn cử, như Đại học Ngoại thương vẫn duy trì Xét điểm học bạ ba năm THPT, áp dụng cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; học sinh trường chuyên.
Đại học Công nghiệp Hà Nội, xét điểm ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp, kết hợp với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Xây dựng Hà Nội vẫn áp dụng xét tuyển học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả kỳ thi do các trường đại học khác tổ chức. Trong đó phương thức xét tuyển học bạ vẫn kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Đại học Thăng Long duy trì xét điểm 3 năm THPT của ba môn theo tổ hợp; kết hợp điểm 3 năm và điểm thi năng khiếu.
Đại học Đại Nam xét tuyển bằng điểm học bạ lớp 11 và kỳ I lớp 12 hoặc học bạ lớp 12 của ba môn theo tổ hợp.
Đại học Nha Trang, xét tuyển bằng điểm 3 năm THPT một số môn nhất định kết hợp điểm thi đánh giá năng lực.
Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh xét tuyển tổng hợp căn cứ trên điểm học tập THPT 6 học kỳ theo tổ hợp môn.
Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh xét tuyển dựa trên kết quả học bạ là điểm trung bình của 3 năm học THPT.
Đại học Tài chính - Marketing: Dự kiến tuyển sinh bằng 6 phương thức, bao gồm cả xét học bạ.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh xét tuyển dựa vào học bạ THPT với thí sinh tốt nghiệp năm 2025, tính theo điểm trung bình học bạ 6 học kỳ của từng môn theo tổ hợp.
Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh xét học bạ trong năm 2025. Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ dành khoảng 15-20% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển học bạ trong năm 2025.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, xét kết hợp học bạ với một số tiêu chí khác. Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12. Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh xét học bạ trung bình 3 môn tổ hợp của 3 năm THPT (trừ HKII lớp 12).
Đại học Nguyễn Tất Thành xét học bạ trung bình của các học kỳ; xét điểm trung bình tổ hợp môn lớp 12. Đại học Hoa Sen xét học bạ THPT dựa trên kết quả học tập của 3 môn tổ hợp trong 3 năm THPT (trừ học kỳ II năm 12)…
Có thể thấy, phương thức xét tuyển học bạ mặc dù bị nhiều trường từ bỏ nhưng số trường sử dụng phương thức này để tuyển sinh đầu vào vẫn nhiều. Đây là phương thức tuyển sinh giúp các nhà trường dễ dàng hơn trong việc thu hút thí sinh, tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào của hình thức tuyển sinh này luôn được dư luận đặt ra vì rất khó để kiểm soát được tính công bằng trong đánh giá, tổng kết học tập tại các trường THPT hiện nay.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng bắt buộc sử dụng kết quả học tập học kỳ II của học sinh lớp 12 trong tuyển sinh đại học. Tránh tình trạng, học sinh chưa học hết chương trình phổ thông đã biết mình đậu đại học nên lơ là học tập. Việc này ảnh hưởng đến các học sinh khác và việc lơ là học tập của nhiều em khiến mục tiêu giáo dục phổ thông đề ra không đạt.