A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận chuyển trái phép ngoại tệ tương đương 14 tỷ đồng có thể bị phạt tù tới 10 năm

Liên quan đến vụ vận chuyển trái phép ngoại tệ tương đương 14 tỷ đồng vào Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi, chỉ được phép mang bao nhiêu tiền mặt từ nước ngoài về Việt Nam, nếu không khai báo sẽ bị xử lý ra sao?

Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra, phát hiện 5 hành khách đi trên chuyến bay EK394 và QR976 có hành trình từ Ba Lan quá cảnh qua Dubai và Doha đến Sân bay quốc tế Nội Bài vận chuyển trái phép 352.000 USD và 245.900 EUR, quy đổi ra tiền Việt Nam vào khoảng 14 tỷ đồng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 2, Thông tư 15/2011/TT-NHNN, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu: 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; 15 triệu đồng Việt Nam.

Như vậy, cá nhân khi nhập cảnh vào Việt Nam chỉ được phép mang số lượng tiền mặt (tiền VNĐ, tiền USD hoặc ngoại tệ khác) theo như quy định trên. Trường hợp mang tiền mặt trên mức này phải khai báo hải quan tại cửa khẩu và xuất trình các giấy tờ cần thiết.

Số ngoại tệ vận chuyển trái phép bị thu giữ

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, cá nhân cố tình không khai báo có thể sẽ bị xử lý hành chính. Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định, người xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành hoặc chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh thì bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 - dưới 30 triệu đồng;

Phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 - dưới 70 triệu đồng;

Phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 - dưới 100 triệu đồng;

Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tang vật vi phạm sẽ được trả lại cho người vi phạm khi quyết định xử phạt đã được thực hiện.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Theo Điều 189 BLHS2015 sửa đổi, với số tiền vận chuyển trái phép lên đến 14 tỷ đồng, các đối tượng có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Để tránh rơi vào vòng lao lý, các trường hợp xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Việt Nam, nếu mang theo tiền Việt Nam, ngoại tệ tiền mặt, vàng… cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục khai báo theo quy định - luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...