A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”: Tái hiện nền văn minh ngàn năm của dân tộc

Ngày 18-1, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức khai mạc triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”. Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tư nhân Kính Hoa tổ chức dựa trên bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính. Triển lãm mang đến 36 hiện vật tiêu biểu của thời kỳ Đông Sơn, trong đó đặc biệt có 3 trống đồng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Những chiếc trống đồng này không chỉ có giá trị khảo cổ học mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh tầm vóc và bản sắc dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”

Đến tham dự triển lãm có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao bộ sưu tập Đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính, người đã dành trọn đam mê và tâm huyết để sưu tập, lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu. Hy vọng rằng, thông qua những hiện vật quý giá này, công chúng không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp di sản nghệ thuật Đông Sơn, mà còn trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta để lại”.

 Bảo vật quốc gia: Trống đồng Kính Hoa II thuộc niên đại: thế kỷ IV – III (TCN)

Trong số các hiện vật được trưng bày, ba trống đồng thuộc sưu tập Kính Hoa trở thành điểm nhấn đặc biệt của triển lãm lần này. Những hoa văn tinh xảo trên mặt trống thể hiện trình độ chế tác bậc thầy của người Việt cổ, chứa đựng những thông tin vô giá về đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng và các hoạt động nghi lễ của cộng đồng cư dân Đông Sơn. Hơn nữa, các họa tiết được khắc họa tỉ mỉ, từ cảnh sinh hoạt đời thường đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, săn bắn, đánh cá, cho thấy một xã hội đã đạt đến trình độ phát triển cao về kinh tế, văn hóa và nghệ thuật.

Nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bảo tàng Kính Hoa cho biết: Ông cảm thấy xúc động, hạnh phúc và mãn nguyện khi được gìn giữ các báu vật di sản văn hóa. Theo ông, việc sưu tầm không phải xuất phát từ sở thích cá nhân hay đam mê đồ cổ mà là một cơ duyên tình cờ, như thể “vật tìm người”. 

 Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Kính phát biểu tại buổi lễ khai mạc

“Tôi thực lòng mong muốn những bảo vật này vĩnh viễn không bị ra khỏi biên giới nước Việt Nam, để bảo vật ở lại với chính nơi đã sản sinh ra nó, để con cháu muôn đời sau được hãnh diện với thế giới, tự hào về tổ tiên, cội nguồn của mình”, nhà sưu tầm Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Các hiện vật tiền Đông Sơn

Ngoài trống đồng, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật độc đáo khác góp phần tái hiện một cách toàn diện hơn về đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nền tảng văn hóa hình thành nên bản sắc Việt Nam.

 Quang cảnh khu trưng bày Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn”

Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 18-2 tại tầng 2 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tin, ảnh: NAM HỒNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...