A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh lại thiếu giáo viên: Chuyện cũ trước năm học mới

Lương thấp, vướng nhiều quy định ngặt nghèo... khiến TP. Hồ Chí Minh rất khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như giữ chân đội ngũ giáo viên.

Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học mới. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng không biến động nhiều so với các năm học trước, tuy nhiên bài toán khan hiếm nguồn tuyển tiếp tục diễn ra.

Theo thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, năm học 2023 - 2024, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 giáo viên, nhân viên cho các trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông. Mỗi quận, huyện tính trung bình cần tuyển từ 200 đến hơn 500 giáo viên, nhân viên trong các trường học.

Trong đó, huyện Hóc Môn là một trong những địa phương cần tuyển viên chức ngành giáo dục nhiều nhất. Cụ thể huyện này cần tuyển 543 viên chức bao gồm 484 giáo viên và 59 nhân viên. Bậc trung học cơ sở có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 252 nhân sự (221 giáo viên, 31 nhân viên).

Quận Tân Phú cũng có nhu cầu tuyển gần 200 giáo viên, trong đó bậc trung học cơ sở cần 95 giáo viên, tiểu học cần 71 giáo viên, còn bậc mầm non cần 10 giáo viên.

TP. Hồ Chí Minh lại thiếu giáo viên: Chuyện cũ trước năm học mới
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trầm trọng tại nhiều trường học ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Còn tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh, năm học mới, kế hoạch của Phòng Giáo dục Đào tạo cũng cần tuyển gần 300 giáo viên, trong đó, bậc mầm non cần 86 người (77 giáo viên, 9 nhân viên), tiểu học cần 125 người, trung học cơ sở cần 57 người.

Được biết, số giáo viên cần bổ sung cho năm học mới đa phần là mỹ thuật, âm nhạc, tin học, tiếng Anh, giáo viên nhiều môn ở bậc tiểu học. Đây cũng là những môn học mà nhiều năm nay rơi vào tình trạng khó tuyển nhân sự dù chỉ tiêu hằng năm rất lớn.

Thực tế, thiếu giáo viên là thực trạng kéo dài nhiều năm qua ở các trường học tại TP.Hồ Chí Minh. Ngay từ năm học 2017 - 2018, để thu hút nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, TP. Hồ Chí Minh đã bỏ quy định ứng viên dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng dù quy định được nới lỏng thì việc tuyển dụng giáo viên một số môn học vẫn còn gặp khó khăn. Đặc biệt là với một số môn học đặc thù như các môn học đặc thù như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật. Nhiều địa phương buộc phải tuyển giáo viên hợp đồng trong một thời gian dài.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trầm trọng, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương. Song, điều đáng nói là, giáo viên thiếu nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Đây là nghịch lý giữa đào tạo và tuyển dụng và cũng là “nút thắt” chưa được tháo gỡ.

Nhìn vào thực tế việc làm của các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, sẽ không khó để hình dung cảnh ngành giáo dục rất khó tuyển sinh được nhiều người giỏi, tuyển dụng được nhiều người tài để bổ sung vào đội ngũ giáo viên cho ngành trong tương lai.

Lương đã thấp, áp lực công việc nhiều, có thể còn gặp tiêu cực, thử hỏi có ai không thấy ngao ngán, muốn né tránh? Thực tế cho thấy, vẫn có những học sinh phổ thông thích theo đuổi ngành sư phạm. Nhưng bên cạnh đó, sự thờ ơ của học sinh đối với nghề giáo cũng ngày càng lớn dần vì lượng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm ngày mỗi tăng qua mỗi năm, chưa kể tình trạng tiêu cực diễn ra ở nhiều địa phương. Chính vì thế, sinh viên sư phạm vẫn nhiều nhưng trường học vẫn thiếu giáo viên.

Ngoài chuyện khó tuyển dụng, việc tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây khiến giáo viên vốn đã thiếu, giờ càng thiếu hơn.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022. Một trong những điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn “án binh bất động” ở nhiều địa phương.

Năm nào thành phố cũng tuyển dụng hàng trăm giáo viên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường học do áp lực quá cao về dân số, trong khi chế độ, chính sách chưa đủ sức thu hút và giữ chân giáo viên. Song song đó, bài toán sắp xếp lại đội ngũ, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên cần được cơ quan quản lý xem xét toàn diện để có giải pháp giải quyết căn cơ.

Tuyển dụng nhân sự là một bài toán khó, với ngành giáo dục càng khó hơn vì ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo ra một con người đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Với cách tuyển dụng như hiện nay, nhà trường đôi khi không thể có được giáo viên phù hợp. Điều này sẽ gây ra hậu quả nặng nề về chất lượng cho nguồn lực lao động trong tương lai.


Tác giả: Hà Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết