Thanh Hóa: Kiểm tra phòng, chống tệ nạn ở khách sạn và quán karaoke
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có kế hoạch kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2025.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra quán karaoke G7 ở huyện Hoằng Hóa, phát hiện nhiều vi phạm. Ảnh: P.V
Theo đó, mục đích của việc kiểm tra nhằm phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật nói chung và quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội nói riêng trong hoạt động kinh doanh.
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, chấn chỉnh, lập biên bản vi phạm và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông qua hoạt động kiểm tra để đánh giá thực trạng việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm và kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, tổng hợp, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tệ nạn mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công tác kiểm tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật; đảm bảo đồng bộ, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương; đồng thời hạn chế tối đa việc kiểm tra chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ là đối tượng được kiểm tra.
Đánh giá, nhận xét, tổng hợp kết quả kiểm tra phải đảm bảo khách quan, trung thực; đề xuất kiến nghị các biện pháp, giải pháp đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các nội dung thuộc lĩnh vực chuyên ngành và theo sự phân công của trưởng đoàn, đồng thời tăng cường phối hợp, hỗ trợ các thành viên trong đoàn để công tác kiểm tra đạt hiệu quả.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống mại dâm; sử dụng lao động; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm cho người lao động; các quy định về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; việc sử dụng các loại dược phẩm và dụng cụ có tác dụng kích thích tình dục.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đảm bảo điều kiện cách âm về tiếng ồn; về bản quyền tác giả, việc sử dụng bài hát, bản ghi âm, ghi hình; về quảng cáo; an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm; phòng, chống cháy nổ; kinh doanh rượu, bia; phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật khác có liên quan về phòng, chống tệ nạn mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành tại cơ sở được kiểm tra, hoặc tại trụ sở cơ quan thường trực của đoàn kiểm tra khi đại diện cơ sở vắng mặt tại địa điểm kinh doanh tại thời điểm kiểm tra và theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Căn cứ biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính và mức độ vi phạm của cơ sở, đối chiếu theo các quy định của pháp luật, trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Chánh Thanh tra các sở, ngành chức năng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp quá thẩm quyền của Chánh Thanh tra các sở, ngành…
Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, trưởng đoàn kiểm tra chủ trì thiết lập hồ sơ vụ việc vi phạm, chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối tượng kiểm tra tại thị xã Nghi Sơn gồm 25 khách sạn, nhà nghỉ và karaoke; huyện Hoằng Hóa 11 khách sạn, khu nghĩ dưỡng và karaoke; tại huyện Ngọc Lặc 20 nhà nghỉ, khách sạn, karaoke. Thời hạn kiểm tra từ tháng 5 đến tháng 12/2025.