A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và bùng phát, các địa phương khu vực phía Nam đã tập trung cao độ triển khai công tác giám sát tử vong bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). Cùng với đó là đẩy mạnh phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm pha đúng nồng độ, đúng diện tích bao phủ và có đánh giá diệt muỗi sau phun hóa chất…

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết ở Đồng Tháp. (Ảnh: Báo Đồng Tháp) 

Theo đó, để ngăn chặn dịch SXH, tránh nguy cơ bùng phát, lan rộng, kéo dài, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch số 120-KH/UBND ngày 1-6-2022 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH lần thứ 12 và Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022; triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống SXH trước mùa dịch. Ngành Y tế Tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch; giám sát các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng; điều tra, xác minh và xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương tới tuyến xã, phường, thôn, ấp. Trong đó, 100% hộ gia đình trong khu vực ổ dịch phải được phun hóa chất diệt muỗi. Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu trong việc xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và hỗ trợ kịp thời địa phương khi có nhu cầu…

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh này có hơn 4.100 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2019 (năm không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19), số ca mắc SXH có giảm nhưng số ca và tỷ lệ SXH nặng lại tăng gấp đôi. Cùng với đó, số ca tử vong cũng xuất hiện nhiều hơn cùng kỳ năm 2019 (tính đến nay đã có 4 ca tử vong).

Tại tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.100 ca mắc SXH, so với cùng kỳ năm 2021 giảm nhưng số ca tử vong tăng là 5 ca. Các địa phương có số ca mắc, tử vong cao là TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một và TX Bến Cát.

Hiện tại, TP Dĩ An đang lưu hành chủng vi rút Dengue 2 - chủng vi rút SXH có khả năng chuyển nặng cao nhất dẫn đến số ca mắc chuyển nặng của địa phương tăng gấp 10 lần so với những năm trước đây. Tính đến thời điểm này, TP Dĩ An ghi nhận hơn 100 ổ dịch. Hai phường có số ổ dịch cao nhất là phường Tân Đông Hiệp và Tân Bình.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin để phòng bệnh. Biện pháp chủ yếu, hiệu quả là diệt bọ gậy, không có bọ gậy thì không có SXH. Trước tình hình SXH có xu hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch. Các biện pháp điều trị bệnh nhân, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành của ngành y tế chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài thì diệt lăng quăng, bọ gậy mới là giải pháp bền vững và hiệu quả. Thực hiện tốt giải pháp này đòi hỏi sự chung tay của các ngành, đoàn thể, địa phương và người dân.

Cũng giống các địa phương khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Sửu Long đã ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái, do mưa sớm, nóng ẩm khiến muỗi vằn sinh sôi. Tỉnh Đồng Tháp ghi nhận trên 1.600 ca sốt xuất huyết tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, 1 trường hợp tử vong. Tất cả 12 địa phương của tỉnh đều ghi nhận ca bệnh, trong đó huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh có số ca nhiều nhất và chiếm gần 50% toàn tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Uỷ ban Nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về việc phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế truyền thông các hoạt động phòng, chống bệnh SXH. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông các nội dung về phòng, chống bệnh SXH; cập nhật những nội dung truyền thông liên quan về phòng, chống bệnh SXH từ các trang chính thống của Bộ Y tế (Website: suckhoedoisong.vn và Facebook Sức khỏe Việt Nam…). Qua đó, kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện công tác phòng, chống, từng bước kiềm chế bệnh SXH, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tại TP Cần Thơ, số bệnh nhân điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lên hàng trăm ca, khiến khu vực điều trị nội trú quá tải. Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao hơn mọi năm, hơn 1.000 ca tính từ đầu năm. Riêng tháng 5, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú 388 ca, tăng gấp ba lần năm ngoái, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tại tỉnh An Giang, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết, đã dự báo được năm nay chu kỳ dịch tăng cao (4 năm một lần), nên áp dụng các biện pháp phòng dịch từ tháng 3. An Giang hiện là địa phương ghi nhận số ca sốt xuất huyết cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 3.900, tăng 365% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 5-10%, không có ca tử vong. Còn tại Sóc Trăng, từ đầu nămđến nay, Sở Y tế địa phương này cũng ghi nhận 325 ca, tăng 116%, trong đó 25 trường nặng, 2 ca tử vong.

Theo Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, người dân phải cẩn trọng, không nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng COVID-19, sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế xét nghiệm, xác định chính xác bệnh. Theo đó, bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, rất khác so với sốt do COVID-19 là sốt tới ngày thứ ba sẽ giảm./..

K.V (t/h)

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết