A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết liệt chống pháo lậu

Pháo là loại hàng hóa bị cấm lưu thông, buôn bán, sử dụng, thế nhưng do lợi nhuận từ hành vi phi pháp này rất cao nên bất chấp các chế tài xử phạt khắt khe, các đối tượng phạm tội vẫn tìm mọi thủ đoạn để mua bán kiếm lời. Rất nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Diễn biến phức tạp

“Đến hẹn lại lên”, những tháng cuối năm là thời điểm gia tăng các loại tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép với số lượng lớn.

Điển hình như, chiều 19/11, tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện xe tải 6 chỗ cải tạo lại, biển kiểm soát 29G-012.28 có dấu hiệu bất thường nên đã tổ chức theo dõi. Khi đến địa phận xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, Tổ công tác đã chặn dừng phương tiện kiểm tra, phát hiện trên xe chở 4 thùng giấy, bên trong chứa 48 hộp pháo hoa có tổng trọng lượng gần 100kg.

Quyết liệt chống pháo lậu
Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối đối tượng Vũ Mạnh Tuấn về hành vi “Buôn bán hàng cấm”. (Ảnh: CQCA)

Tại Hà Nội, Công an các quận, huyện đã và đang quyết liệt đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan pháo nổ để người dân đón Tết. Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Hoa Mai (sinh năm 1991) và Vũ Mạnh Tuấn (sinh năm 1989, cùng trú tại tổ 22, phường Long Biên, (quận Long Biên) về hành vi “Buôn bán hàng cấm” trên không gian mạng.

Tang vật thu giữ là pháo nổ, có trọng lượng 22,8kg. Cụ thể, các đối tượng bán hàng thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội rao bán các loại pháo nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời tự in tem nhãn mác giống hệt loại pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất để bán với giá thành giá rẻ hơn so với giá thị trường…

Chỉ huy Công an quận Long Biên cho biết, đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ cũng khá đa dạng, do lợi nhuận nên không ít người đã mờ mắt, bất chấp pháp luật để kiếm lời, trong đó có không ít phụ nữ cũng tham gia. Có trường hợp, biết bạn làm ăn buôn pháo nhưng vẫn tiếp tay, sẵn sàng cho mượn nhà riêng của mình để làm nơi cất giấu hàng. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến pháo, song tội phạm trong lĩnh vực này vẫn lén lút hoạt động, với số lượng vận chuyển, buôn bán ngày càng lớn.

Qua công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng phạm tội buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép đều dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi nên rất khó phát hiện.

Nếu như trước đây, các đối tượng buôn bán pháo lậu thường mua bán ngã giá trực tiếp thì hiện tại, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin qua Internet, những “đầu nậu” chuyên bán pháo nổ đã chuyển dịch lên không gian mạng. Chỉ cần tìm từ khóa “bán pháo nổ” trên mạng xã hội Facebook sẽ ra rất nhiều trang cá nhân và các hội nhóm buôn bán pháo nổ với hàng nghìn thành viên tham gia.

Ngăn chặn hiệu quả từ cơ sở

Thông tin với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ, cho biết, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống pháo; lồng ghép thông qua phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh và các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm về pháo, thì đấu tranh trực diện để ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này là một trong những biện pháp được chú trọng. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố lân cận, ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo vào Thành phố…

Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ trên địa bàn, hàng năm Công an thành phố Hà Nội đều mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm liên quan đến pháo nổ. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt đấu tranh phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo công an các địa phương tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không tàng trữ, kinh doanh và đốt pháo nổ. Đặc biệt, Công an Thành phố yêu cầu Công an 30 quận, huyện, thị xã cùng ký cam kết, địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ thì người đứng đầu đơn vị, địa bàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Tại quận Hà Đông, mới đây, Ban Chỉ đạo 197 quận đã tổ chức lễ ký cam kết phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến 42 cán bộ là Trưởng các đơn vị, ban ngành, đoàn thể của quận.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội về triển khai cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân đón Xuân, các đơn vị của Công an quận ngoài bảo đảm an ninh trật tự còn tập trung đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Công an quận Hà Đông tổ chức cho Công an 17 phường trên địa bàn ký cam kết bảo đảm không để xảy ra pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Các lực lượng cũng tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt là khu vực giáp ranh, ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo…

Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh với hành vi sản xuất mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, Công an các địa phương đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ dân phố tổ chức nhiều hội nghị, buổi họp dân phố để tuyên truyền và tổ chức cho nhân dân ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.

Biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời các lực lượng chức năng cần chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán diễn ra an lành, vui tươi, đầm ấm./.

Theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, người nào có hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép hoặc sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm i, Khoản 3, Điều 11); Người nào vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 11).

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng đã quy định một số hành vi bị xử lý hình sự liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép, ngoài xử phạt hành chính còn có thể bị phạt tù lên đến 15 năm…

Minh Phương

Nguồn:laodongthudo.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...