Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Tăng cường thanh, kiểm tra, đẩy lùi sai phạm
Chuyển biến qua từng năm triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” đã góp phần đẩy lùi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt trên những lĩnh vực “điểm nóng” như bản quyền, quảng cáo, quản lý lễ hội…
Một trong những giải pháp quan trọng đưa đến chuyển biến tích cực là công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên được tăng cường.
Ngay trong dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, cao điểm của mùa lễ hội, công tác thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương, di tích có lễ hội trọng điểm đã được Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở và các đơn vị chức năng chủ động triển khai.
Công tác thanh, kiểm tra nhằm góp phần chấn chỉnh, đẩy lùi những tiêu cực, đưa hoạt động lễ hội từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL thường xuyên tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch như: phòng, chống vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; chấn chỉnh lộn xộn trong hoạt động quảng cáo; hoạt động kinh doanh du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao; phòng, chống tội phạm trong quản lý di tích, di sản...
Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm chống lại những hành vi sai trái, xuyên tạc trên mạng internet, mạng xã hội… liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Song song với việc đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra là việc xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Bộ VHTTDL cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2024 và thành lập hàng chục đoàn thanh tra, bao gồm các đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.
Từ đầu năm đến nay, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan…, với tổng số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Cùng với đó là yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử; tiêu hủy bản ghi âm Fever, tháo gỡ bản ghi âm Fever trên môi trường mạng và kỹ thuật số, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp…
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính cho thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã được tổ chức. Qua đó, nhiều nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã được chuyển tải theo các chuyên đề sát thực tiễn.
Hành lang pháp lý được tăng cường cũng đã góp phần quan trọng trong việc đưa công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL có nhiều chuyển biến tích cực.
Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” được Bộ VHTTDL triển khai đồng bộ thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành, qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực VHTTDL; đặc biệt trên mạng Internet, trong gia đình, cộng đồng khu dân cư.
Một số hoạt động cụ thể được triển khai hiệu quả như Chương trình giữa Bộ VHTTDL và Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về VHTTDL được tăng cường với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý.
Công tác theo dõi, tổ chức thi hành hành pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời, góp phần tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm trong lĩnh vực VHTTDL.
Tuy nhiên, do bối cảnh phát triển vũ bão của mạng xã hội đã dẫn đến thực trạng còn có nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Trong khi đó, việc quản lý hoạt động trên môi trường mạng rất tinh vi, rất cần sự vào cuộc của lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo Bộ VHTTDL, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, trong đó, đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, kịp thời phát hiện những thủ đoạn mới của các đối tượng để tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân.