A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống văn hoá Thăng Long - Hà Nội

Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song ngành Văn hóa Thủ đô vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp vào thành công chung của Thành phố.

Tăng cường đầu tư nguồn lực

Sự nghiệp văn hóa và thể thao của Thủ đô nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến Thành phố và cơ sở, được cụ thể hóa vào trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Hội nghị toàn quốc về Văn hóa; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy và Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là kim chỉ nam đối với sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao của Thủ đô.

Phát huy truyền thống văn hoá Thăng Long - Hà Nội
Chương trình nghệ thuật Chào Xuân 2022 do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức thực hiện

Đáng chú ý, Thành phố đã tăng cường nguồn lực để hỗ trợ các quận, huyện đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích; tăng đầu tư cho sự nghiệp văn hóa.Cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm thực hiện. Trong đó, có 144 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn kinh phí đầu tư là 1.389,067 tỷ đồng; thống kê 163 di tích đề xuất lập hồ sơ xếp hạng; 1.934 đền, điện, phủ thờ có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện kiểm kê; 71 nghệ nhân được Hội đồng cấp bộ thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể... Các di tích, danh thắng đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện phòng chống dịch.

Ngoài ra, 2 di sản thuộc loại hình trình diễn dân gian và nghề thủ công là: Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) và Nghề dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đã được lựa chọn để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về hoạt động bảo tàng, dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội tiếp tục được thực hiện. Thành phố Hà Nội cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn Thành phố, đặc biệt có 1 Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân, là thành phố đầu tiên của cả nước có tư nhân sở hữu loại hình này. Các nhà hát thành phố tiếp tục khẳng định thương hiệu khi tham gia các Liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Trong năm, các nhà hát, nghệ sĩ của Thủ đô đã giành 1 Huy chương vàng vở diễn xuất sắc; 1 Huy chương vàng chương trình, 1 giải Đạo diễn xuất sắc và 19 huy chương cá nhân.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, với nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày một hoàn thiện: 28/30 quận, huyện, thị xã đã có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 136/579 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 4.236/5.403 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt… Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều hình thức đổi mới và sáng tạo. Việc huy động tốt nguồn lực xã hội hóa trong công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện, khi các doanh nghiệp chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục là điểm sáng nổi bật của ngành Văn hóa vàThể thao Thủ đô.

Đặc biệt, sự nghiệp thể thao ghi dấu ấn với thể thao thành tích cao với 679 huy chương; trong đó có 250 Huy chương Vàng, 198 Huy chương Bạc, 229 Huy chương Đồng tại các giải thể thao trong nước; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng tại các giải thể thao quốc tế. Thể thao Hà Nội đóng góp 4 vận động viên (trong tổng số 18 vận động viên Đoàn Thể thao Việt Nam) tham dự Olympic Tokyo 2021 và 3 huấn luyện viên tham gia công tác chỉ đạo, huấn luyện vận động viên thi đấu ở các môn: Bắn cung, cử tạ, Boxing nữ. Thể thao quần chúng hoàn thành mọi chỉ tiêu đề ra.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện chưa đảm bảo tiến độ, yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố. Các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa thôn) tại các huyện trên địa bàn Thành phố chưa hoàn thành công tác xây dựng. Việc triển khai thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050; dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội cũng còn những vướng mắc. Tiến độ tham mưu Thành phố tổ chức thực hiện các cam kết khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO; xây dựng các kế hoạch được giao trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, hiệu quả trong đổi mới công tác tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp để thích ứng với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân cũng còn hạn chế; công tác phát triển văn hóa đọc; đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, cổ động trực quan… chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác văn hóa và thể thao Hà Nội năm 2022 vừa qua,Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 4 cá nhân đạt nhiều thành tích cao trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao Thủ đô; tặng Cờ thi đua cho 4 tập thể có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hiệu quả tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, với sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong năm 2022, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát nhiệm vụ chuyên môn được giao, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô; thực hiện chủ đề năm công tác 2022 của Thành phố, các phong trào thi đua và chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; triển khai hiệu quả các nội dung Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo”.

Cùng với đó, toàn ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, từ đó huy động sự chung tay, góp sức vì sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao Thủ đô. Đồng thời tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Đặc biệt, ngành sẽ tổ chức thành công lễ khai mạc, bế mạc Seagames31, chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên phục vụ công tác tổ chức thi đấu. Phấn đấu thể thao Hà Nội đóng góp từ 30% vận động viên, 30% huy chương cho Thể thao Việt Nam tại Seagames31 và Asiad 2022. Thể thao Hà Nội cũng đặt mục tiêu đứng thứ nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022./.

Phương Bùi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...