A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh

“Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam). Nhận biết được tầm quan trọng của việc giáo dục tình yêu đất nước với học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai các hoạt động giáo dục địa phương cho học sinh, từ đó góp phần giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều tiết học được thiết kế có nội dung phong phú, gần gũi, phát huy được sức sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh.

Linh hoạt phương thức dạy học

Tiết học giáo dục địa phương của các học sinh lớp 6A2 (Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai, quận Hoàng Mai) diễn ra sôi nổi, hào hứng. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh được tìm hiểu về nét đẹp độc đáo, tinh tế trong phong cách, nếp sống người Hà Nội cùng với những tính cách hiền hòa, chịu thương, chịu khó của người dân Kẻ Chợ - kinh thành Thăng Long xưa. Cùng đó, học sinh còn được xem những thước phim thấm thía về tình cảm gia đình. Nhiều em đã xúc động và gọi điện chia sẻ, cảm ơn thầy cô đã giúp bản thân cảm nhận được tình yêu thương gia đình, hiểu sợi dây tình cảm gắn bó trong mỗi gia đình người Hà Nội qua bao thế hệ.

Nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh
Học sinh hào hứng và chủ động trong việc học tài liệu giáo dục địa phương

Ngoài ra, học sinh cũng được tìm hiểu về nét đặc trưng ẩm thực của Hà Nội qua các món ăn như chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng hay món bánh cuốn Thanh Trì gần gũi, giản dị mà thân thương.

Còn tại lớp 6A3, giáo viên đã dẫn dắt học sinh tìm hiểu về văn học dân gian thời kỳ dựng nước. Học sinh được tham gia trò chơi mini game khám phá nền văn học Việt Nam cổ đại với các câu chuyện cổ tích, thần thoại phong phú, đặc sắc. Tìm hiểu hệ thống thể loại các tác phẩm văn chương thời kỳ dựng nước không phải bằng những khái niệm đơn thuần, các em được trực tiếp nghe các làn điệu dân ca, câu đối đáp đầy biến tấu của nhân dân trong hội làng, dịp lễ. Tiết học sáng tạo như một cuộc dạo chơi, khiến học sinh hào hứng.

Hay như tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức các chương trình mang tính giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. Những nội dung này được giáo viên tích hợp hoặc sử dụng trong dạy các môn học ở khối lớp. Không dừng lại ở việc giảng dạy trên bục giảng, giáo viên còn kết hợp các giờ ngoại khóa nhằm giúp học sinh thêm thích thú, hăng say học tập, từ đó khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà trường cũng luôn quan tâm tới các ngày lễ lớn của dân tộc và tổ chức nhiều hoạt động đan xen như tham quan, hội chợ, sân khấu hóa… nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh.

Bảo tồn giá trị văn hóa quê hương

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều trường học đã và đang triển khai nhiều hoạt động giáo dục địa phương căn cứ theo những đặc thù văn hóa, lịch sử nơi nhà trường hoạt động.

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trường Trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình) đã tổ chức cho các em học sinh tham quan giáo dục truyền thống lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm ngay tại địa bàn quận. Buổi học tập giáo dục truyền thống đã giúp các em hiểu rõ hơn những hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Thông qua buổi học ngoại khóa đó, các em học sinh biết ơn, trân trọng những anh hùng dân tộc, nuôi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Với mục tiêu biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương mang đặc trưng của Hà Nội, có nội dung phù hợp với học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng nhóm tác giả đã chỉ đạo, hướng dẫn Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) dạy thực nghiệm hai vòng bài Thăng Long Tứ trấn, tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 3. Đây là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ đáp ứng việc nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, mức độ kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, nếu như ở vòng dạy thực nghiệm thứ nhất, cô giáo Nguyễn Thanh Lan (giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu) thực hiện tiết dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương theo hướng một tiết dạy độc lập thì ở vòng thực nghiệm thứ hai, cô giáo đã thực hiện dạy bài Thăng Long Tứ trấn theo hướng tích hợp, lồng ghép trong nội dung của môn học Hoạt động trải nghiệm, bài Quê hương em tươi đẹp...

Ở vòng dạy thực nghiệm lần hai, tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thanh Lan được đánh giá cao về công tác chuẩn bị cũng như việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; qua đó giúp cho tiết học phong phú, gần gũi, phát huy sự sáng tạo và tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Có thể thấy, trong xu thế hội nhập thì việc gìn giữ, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là các nhà trường cần giúp các học sinh được học, được quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bản thân mình với truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà. Văn hóa truyền thống cần trở thành nền tảng trong giáo dục đạo đức cho học sinh, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ trong quá trình hội nhập với thế giới.

Phạm Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...