A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế học sinh

Năm học 2022-2023, với quyết tâm phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, ngành Bảo hiểm xã hội rất cần sự vào cuộc, chung tay phối hợp của các bộ, ngành, cơ sở giáo dục và đặc biệt là từ các phụ huynh, học sinh, sinh viên, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, thể chất người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, vì một nền giáo dục toàn diện.

Nhiều HSSV được Quỹ BHYT thanh toán hàng trăm triệu đồng

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, năm học 2021-2022, toàn Thành phố có trên 2 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 98,35%, tăng trên 100.000 HSSV tham gia BHYT so với năm học 2020-2021. Không chỉ tăng về số lượng, quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT của người tham gia luôn được quan tâm, góp phần đảm đảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế học sinh
Năm học 2022-2023, Hà Nội phấn đấu 100% HSSV đều tham gia BHYT để được đảm bảo quyền lợi đầy đủ khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: B.D

Tham gia BHYT, HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, được Quỹ BHYT chi trả tối đa 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT, không giới hạn mức chi. Ngoài ra, các em còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh.

Thực tế cho thấy, Quỹ BHYT đã góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Nhìn vào kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: Suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.

Tại Hà Nội, theo thống kê của BHXH Thành phố, nhiều trường hợp HSSV được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn trong khám chữa bệnh, được Quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến con số tỷ đồng. Điển hình như trường hợp em L.M.Đ, học sinh Trường Tiểu học Dương Quang, huyện Gia Lâm, điều trị bệnh ghép gan, được Quỹ BHYT thanh toán 627 triệu đồng. Em P.T.P, học sinh cấp 2 ở quận Đống Đa, điều trị viêm cơ tim, được Quỹ BHYT thanh toán 493 triệu đồng. Em P.Đ.Q, học sinh Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên, điều trị nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng, được Quỹ BHYT thanh toán 341 triệu đồng. Em T.B.Y, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, điều trị suy hô hấp, được Quỹ BHYT thanh toán 267 triệu đồng…

Triển khai hiệu quả chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước

Chính sách BHYT HSSV được triển khai nhằm mục đích giúp HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Việc thực hiện chính sách BHYT HSSV không chỉ đảm bảo cho HSSV được chăm sóc tốt sức khoẻ ban đầu để yên tâm học tập mà còn giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình, khi không may bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị với chi phí cao. Do đó, thực hiện bao phủ BHYT 100% HSSV vừa là động lực phát triển BHYT toàn dân bền vững, vừa là giải pháp quan trọng nâng cao sức khỏe, thể chất người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, vì một nền giáo dục toàn diện.

Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Trên tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT. Đối với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT HSSV, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Hiện nay, HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do HSSV đóng. Theo đó, mức đóng và phương thức đóng BHYT HSSV hiện áp dụng linh hoạt như sau: 201.150.000 đồng (nếu đóng 3 tháng); 402.300 đồng (nếu đóng 6 tháng); 603.450 đồng (nếu đóng 9 tháng); và 804.600 đồng (nếu tham gia đủ 12 tháng).

Tại Hà Nội, việc thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và BHXH Việt Nam quan tâm, chỉ đạo sát sao, đảm bảo hiệu quả trong triển khai thực hiện giữa cấp ủy và chính quyền các cấp, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.

Theo đó, năm học 2022-2023, để thực hiện tăng tỷ lệ tham gia BHYT HSSV, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, BHXH thành phố Hà Nội đã sớm có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, về công tác chỉ đạo, ngay từ đầu năm học, BHXH thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn cài đặt ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” cho HSSV để sử dụng hình ảnh thẻ BHYT hoặc Căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Đối với học sinh chưa có Căn cước Công dân (học sinh tiểu học, THCS…), cơ sở giáo dục yêu cầu HSSV có mã số định danh công dân (do Công an phường, xã cấp theo quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an); đối với học sinh đầu cấp học, sinh viên năm thứ nhất, các học sinh có thẻ BHYT đối tượng khác đã hết hạn sử dụng… lần đầu tham gia BHYT tại cơ sở giáo dục, khi lập danh sách tham gia BHYT, cơ sở giáo dục cần yêu cầu HSSV cung cấp mã số BHXH đã có (số thẻ BHYT đã có trước đó).

Ngoài ra, BHXH Thành phố cũng ban hành các văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan; chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã báo cáo, tham mưu UBND các quận, huyện thị xã giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho các cơ sở giáo dục, có văn bản đôn đốc các cơ sở giáo dục có tỷ lệ tham gia BHYT HSSV chưa đạt 100%. Đồng thời, giao Phòng nghiệp vụ phối hợp với BHXH các quận, huyện, thị xã cử cán bộ đến tận các trường học, đôn đốc, nắm bắt tình hình, hỗ trợ trong công tác BHYT HSSV, hướng dẫn kê khai, lập danh sách đúng quy định; kịp thời trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường.

Về công tác phối hợp, BHXH Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, UBND, Phòng Giáo dục đào tạo quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện BHYT HSSV, phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV; việc thực hiện công tác BHYT HSSV là một chỉ tiêu để đánh giá thi đua hằng năm trong thực hiện nhiệm vụ của nhà trường./.

Bảo Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết