Những nhân vật đặc biệt trong đại nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại”
Tính chân thật là một yếu tố được đề cao, tôn trọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 - 2024.
Các diễn viên vào vai những nhân vật lịch sử trong chương trình đều được ekip thực hiện lựa chọn tỉ mỉ và cẩn trọng. Các nghệ sĩ bày tỏ cảm thấy vinh dự, tự hào khi được góp sức cho chương trình về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TP HCM, thắp lên ngọn lửa tình yêu và tự hào về thành phố, quảng bá vẻ đẹp thành phố và đất nước.
Tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ diễn ra lúc 20h ngày 31/5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn. Chương trình do nữ đạo diễn - “Người kể chuyện bằng trái tim” Lê Hải Yến - người đã thành công rực rỡ với “Dòng sông kể chuyện” mùa đầu tiên năm 2023 làm Tổng đạo diễn.
Đại nhạc kịch ngoài trời "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" nhằm tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn, giới thiệu vẻ đẹp của đất nước thông qua nghệ thuật |
Bên cạnh đó, sự “liên tài” giữa những tên tuổi hàng đầu Việt Nam như: Đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc Đức Trí, Biên đạo Tấn Lộc, NTK Nguyễn Việt Hùng… dự kiến sẽ đem đến một chương trình nghệ thuật không chỉ mãn nhãn mà còn thăng hoa mọi cảm xúc với những điều lần đầu khán giả được trải nghiệm, chiêm ngưỡng, thưởng thức.
“Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” sẽ tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu.
Đây sẽ là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại nhất hiện nay để tái hiện một câu chuyện về lịch sử đồ sộ của dân tộc.
Chương trình được Tổng đạo diễn Lê Hải Yến hướng tới dàn dựng theo xu hướng edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hoá, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” ý nghĩa không chỉ ở tính sử thi trong câu chuyện mà ê-kíp muốn truyền tải, chương trình còn là một sản phẩm đầy tâm huyết của những con người yêu thành phố, bất kể họ là ai và đến từ đâu.
Bởi vậy, Tổng đạo diễn cùng ê-kíp không chỉ dồn hết tâm sức để làm một chương trình hay mà còn vì một chữ “thật”. Tính chân thật là một yếu tố rất được đề cao, tôn trọng trong “Chuyến tàu huyền thoại”. Các diễn viên vào vai những nhân vật lịch sử đều được lựa chọn tỉ mỉ và cẩn trọng.
Đặc biệt, các diễn viên trong vai lãnh tụ như anh Ba (NSƯT Trần Tuấn Lin đảm nhiệm), vai bác Tôn Đức Thắng (nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn đảm nhiệm) đều trải qua các quy trình kiểm tra khắt khe về lý lịch, nhân thân, quá trình công tác và đóng góp cho sự nghiệp chung. Hay như NSƯT - NGƯT Mạnh Dung vào vai người ông kể các câu chuyện trong chương trình cũng là một “nhân chứng lịch sử” từng đi trên con tàu Sông Hương huyền thoại cách đây 49 năm.
Xúc động khi dược hóa thân thành “anh Ba”
Nhiều năm qua, khán giả cả nước đã không còn xa lạ với Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tuấn Lin - một người con quê ở Quảng Bình, Phó Trưởng Đoàn ca kịch cố đô Huế thuộc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Qua 20 năm công tác, anh đã thể hiện nhiều vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhiều nhân vật lịch sử của đất nước rất thành công.
Tham gia "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại”, NSƯT Trần Tuấn Lin sẽ một lần nữa hóa thân người thanh niên Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Văn Ba hay anh Ba) lên tàu rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.
Đã nhiều lần anh vào vai Bác Hồ trong vở ca kịch “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”, vở kịch “Cha, con và Tổ quốc”, “Bến đợi”, hay đóng hình tượng Bác trong chương trình nghệ thuật “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”... nhưng NSƯT Trần Tuấn Lin có cảm xúc đặc biệt khi tham gia chương trình lần này.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tuấn Lin |
NSƯT Trần Tuấn Lin chia sẻ: “Làm nghề 20 năm, tôi may mắn được thể hiện hình tượng của Bác Hồ ở các giai đoạn, đặc biệt là hình tượng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tôi đã thử sức nhiều thể loại sân khấu truyền thống, đương đại, phim nhựa, phim truyền hình, tham gia các sự kiện lớn nhỏ...
Đây là lần đầu tôi được tiếp cận thủ pháp làm chương trình như cách Tổng đạo diễn Lê Hải Yến lựa chọn - đó là làm đại nhạc kịch ngoài trời, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại.
Khi tiếp cận kịch bản, tôi thấy vinh dự, hào hứng chứ không bị áp lực nhiều. Tôi sẽ thể hiện tốt vai trò của mình, chung sức cùng các đồng nghiệp và ê-kíp để đem đến chương trình tôn vinh lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh thành công”.
Anh nói thêm rằng: “Tôi đã theo dõi Dòng sông kể chuyện từ mùa đầu tiên và nhận thấy chương trình để lại ấn tượng sâu sắc với không chỉ khán giả TP.HCM mà khán giả khắp cả nước. Lần này chương trình ý nghĩa hơn khi gắn với sự kiện lịch sử như Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước hay các vị lãnh tụ khác, cũng như gắn với những chuyến tàu cùng các giai đoạn phát triển của TP HCM…
Là một thành viên trong ê-kíp, tôi cảm nhận mọi người có chung một mong muốn chương trình thành công tốt đẹp. Sau tất cả, điều quan trọng là khán giả được thưởng thức một chương trình trọn vẹn, cảm xúc, ấn tượng, đồng thời góp phần quảng bá những nét đẹp của Thành phố và đất nước đến với du khách trong nước và quốc tế”.
Trải nghiệm nghệ thuật đẳng cấp
Chung cảm xúc hạnh phúc và vinh dự là nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn khi đảm nhận vai bác Tôn Đức Thắng trong chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại”. Hồ Giang Bảo Sơn là một trong những diễn viên chủ lực của sân khấu Thiên Đăng, anh tham gia rất nhiều vở diễn và hàng chục phim truyền hình nổi tiếng.
Nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn chia sẻ, ngay sau khi nhận vai, anh đã xin ý kiến hai người thầy của mình ở mảng sân khấu là nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Hữu Châu: "Có một lời thoại dài, em xin phép thoại theo cảm xúc của em về nhân vật bác Tôn, anh nghe thử coi nếu chỗ nào chưa ưng, anh chỉnh sửa giùm em".
Anh chia sẻ thêm: “Tiếp đến, tôi tìm hiểu thêm tư liệu, hình ảnh, xem phim... về bác Tôn, nhìn phong thái, cách nói chuyện... để thể hiện sự hùng hồn, khí phách của một vị lãnh tụ. Đến khi tập, được Tổng đạo diễn khen, tôi thấy lâng lâng cảm xúc hạnh phúc và thấy mừng vì sự cố gắng luyện tập của mình đã cho kết quả xứng đáng”.
Nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn |
Theo nghệ sĩ Bảo Sơn, điểm đặc biệt và khác biệt của chương trình “Chuyến tàu huyền thoại” so với các chương trình nghệ thuật khác anh từng tham gia chính là quy mô và giá trị truyền tải.
“Về quy mô, chương trình được đầu tư rất lớn, dàn dựng hoành tráng, kịch bản công phu và có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ. Điều này mang lại một trải nghiệm nghệ thuật đẳng cấp, ấn tượng chưa từng có cho người xem tại TP HCM.
Điều ấn tượng nhất chính là giá trị truyền tải thông điệp lịch sử trong chương trình. Kịch bản được viết rất công phu, khai thác sâu sắc những sự kiện và câu chuyện lịch sử, mang lại cho người xem cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về quá khứ.
Điều này không chỉ mang ý nghĩa giải trí, mà còn có giá trị về mặt văn hóa và giáo dục. Tôi thực sự tự hào khi được tham gia một chương trình như vậy.
Chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" thực sự mang lại một trải nghiệm nghệ thuật vô cùng độc đáo và đáng giá, khác biệt hẳn so với các chương trình khác mà tôi từng tham gia. Tôi tin rằng đây sẽ là một tác phẩm nghệ thuật để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả”, nghệ sĩ Bảo Sơn cho biết.
Giá trị nghệ thuật và tầm tư tưởng lớn
Như đã hé lộ từ trước, chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra ngay trên dòng sông Sài Gòn qua các chương: Hạ thủy - Cập bến - Ra khơi - Dậy sóng - Vươn xa.
Đặc biệt, 5 chương trong chương trình sẽ được kết nối bằng hai nhân vật kể chuyện: ông và cháu. Hai nhân vật sẽ xuất hiện trên cầu Mống - cây cầu lịch sử của Sài Gòn. Dưới ánh trăng, từ những thắc mắc của cháu, ông sẽ giải thích và kể về những chuyến tàu đã đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại.
Đảm trách vai người dẫn chuyện đặc biệt đó là NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung - một “nhân chứng sống”, một trong những người có mặt trên chuyến tàu Sông Hương, chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1975.
NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung |
NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung là diễn viên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả, trong đó, ông để lại ấn tượng sâu sắc với nhân vật ông Ba bắt rắn trong phim truyền hình “Đất phương Nam”. Ở tuổi ngoài 80, “ông già Nam bộ” vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và vẫn giữ lửa với nghệ thuật, thỉnh thoảng nhận vai diễn khi có kịch bản phù hợp.
Sau khi đọc kịch bản "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại”, NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung nhận lời tham gia chương trình ngay bởi nhận thấy đây là câu chuyện rất giá trị để nhắn gửi thế hệ sau này, rằng để có hiện tại chúng ta được sống trong đất nước hòa bình, cơm no áo ấm, thì trước đây đã có biết bao thế hệ đã hi sinh.
“Không chỉ riêng TP HCM mà khắp cả nước hình chữ S, đã có biết bao thế hệ, bao chiến sĩ hi sinh trên các nẻo đường, trên mọi miền Tổ quốc trong đó các dòng sông là những chứng nhân lịch sử quan trọng.
Kịch bản không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn mang tầm tư tưởng lớn khi đưa vào hình tượng vị lãnh tụ Việt Nam mình luôn kính trọng, yêu thương, đó chính là bác Hồ, bác Tôn... Tôi thấy may mắn khi có duyên tham gia chương trình đúng dấu mốc 49 năm - tôi là một trong những người có mặt trên chuyến tàu Sông Hương năm 1975 từ Hải Phòng tới cảng Nhà Bè. Tàu Sông Hương là con tàu đầu tiên chở 541 cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết trở về tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng.
Tôi hy vọng những người làm chương trình sẽ giúp khán giả hình dung rõ nét nhất quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển TP HCM, qua việc kết hợp điện ảnh, âm nhạc, công nghệ trình diễn...
Vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn, vẻ đẹp của thành phố hiện đại hôm nay thông qua nghệ thuật, điện ảnh hóa, sân khấu hóa cũng sẽ thể hiện được mong muốn của Bác năm xưa là xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, theo chia sẻ của NSƯT - Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung.
Sự kết hợp của toàn bộ ê-kíp, những đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ tài danh của từng mảng, sự kết hợp công nghệ như kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn Drone, bắn pháo hoa… hứa hẹn sẽ tạo nên show diễn hoành tráng, mãn nhãn, mang đẳng cấp quốc tế, đủ sức hút ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, du khách đến tham dự khai mạc Lễ hội Sông nước TP HCM năm 2024.