Nhiều người bị chó mèo cắn, phát bệnh dại trước và sau Tết
Chỉ trong thời gian ngắn trước và sau Tết vừa qua, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc người bị chó dại tấn công, thậm chí dẫn đến tử vong.
Liên tiếp các trường hợp chó dại cắn dịp trước, trong và sau Tết
Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bệnh viện đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trong đó, trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.
Bệnh nhi bị chó dại cắn đang được các bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật (Ảnh: BVCC) |
Điển hình, trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang) khi đi chúc Tết nhà bà ngoại, bị một con chó bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột.
Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại kịp thời.
Một trường hợp khác, bé gái 6 tuổi (ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi cắn vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu.
Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại. Đáng nói, cả 2 con chó tấn công trẻ trong 2 vụ việc trên đều chưa được tiêm phòng dại.
Ở phía Nam, chỉ trong vài ngày vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong vì mắc bệnh dại sau khi bị chó cắn.
Trong đó, trường hợp bé gái 4 tuổi (quê Bình Thuận), được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 14/2 trong tình trạng ăn uống kém, thở không đều, sợ nước và gió, mệt nhiều, sốt.
Theo điều tra dịch tễ, trước đó 7 ngày, bé bị chó cắn vào vùng mặt và cũng không đi tiêm ngừa. Tại bệnh viện, cháu bé có biểu hiện hoảng sợ, la hét, kích động. Bệnh nhi được điều trị tích cực, sau đó được tư vấn và cho về nhà, với chẩn đoán mắc bệnh dại nặng. Đến chiều tối 15/2, cháu bé đã không qua khỏi.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết hầu hết trẻ được đưa vào viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân. Khi bị súc vật tấn công, ngoài chấn thương thì nguy cơ mắc bệnh dại rất lớn.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.
Trong khi đó, người dân ở các vùng quê vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng dại cho vật nuôi. Bệnh nhân bị chó cắn chưa biết cách xử trí, ngại đi chích ngừa. Đa phần, người mắc bệnh dại từ khi vào viện đến khi mất tri giác vẫn còn tỉnh táo. Sau cơn hoảng loạn tăng kích thích cực độ, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đến ngưng tim, ngưng thở đột ngột mà không thể cứu chữa.
Theo các chuyên gia y tế, vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ người dân đi lại nhiều, cộng với việc quản lý vật nuôi có phần bị buông lỏng là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn hoặc tấn công gây chấn thương.
Cùng với việc vật nuôi không được chủ tiêm phòng, thì những kỳ nghỉ dài, việc tiếp cận với huyết thanh và vắc xin phòng dại cũng khó khăn, làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh.
Vắc xin dại thế hệ mới không gây biến chứng về hệ thần kinh
Theo thống kê năm 2023, trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 60 trường hợp tử vong do bệnh dại ở 26 tỉnh, thành phố (tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).
Việc dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất |
Trước tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm, BSCKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa (Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC) lý giải: "Các loại vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vắc xin cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn.
Hơn nữa, vắc xin thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc xin thế hệ cũ".
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong khoảng thời gian ngắn của tháng 2 (trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024), nơi này đã tiếp nhận hàng ngàn người dân đến tiêm vắc xin ngừa bệnh dại.
Cụ thể, tính từ ngày 1 - 18/2, có 1.745 trường hợp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiêm vắc xin ngừa dại, rải đều cả hai giới tính nam và nữ. Về độ tuổi, có 415 trường hợp là trẻ dưới 15 tuổi và hơn 500 ca từ 50 tuổi trở lên. Chỉ có 5 người đến tiêm ngừa sau khi bị động vật cắn trên 15 ngày, còn lại đều là các trường hợp mới bị tấn công thời gian ngắn.
Về nguyên nhân, có hơn 1.400 người bị chó cắn, hơn 300 trường hợp bị mèo cắn/cào, 1 ca bị dơi cắn và 26 trường hợp bị các động vật khác tấn công. Trong đó, hàng trăm trường hợp bị cắn bởi chó mèo thả rông, 34 ca bị con vật đang ốm tấn công.
Ngoài tiêm bắp cho 1.745 người, có gần 900 ca được chỉ định dùng huyết thanh kháng dại. Tổng số lượt tiêm thống kê được (bao gồm mũi đầu và mũi nhắc) là hơn 3.650 lượt, giảm nhẹ so với dịp Tết năm 2023 (hơn 3.900 lượt). Tất cả các trường hợp tiêm ngừa đều không xảy ra phản ứng phụ bất lợi.
Việc dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Trong khi đó, việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây... chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây nhiễm trùng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc xin đầu tiên. Tiêm vắc xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và con vật theo dõi được.