A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mừng lúa mới, cầu mong một mùa bội thu của dân tộc Mạ

Lễ mừng lúa mới của dân tộc Mạ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, nhằm tạ ơn các thần linh đã cho buôn làng một mùa vụ bội thu, cuộc sống no đủ.

Mừng lúa mới (Nhô R’he) là phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Mạ. Theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào dân tộc Mạ thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Yàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả công sức lao động.

Mừng lúa mới, cầu mong một mùa bội thu của dân tộc Mạ
Nghi lễ mừng lúa mới để tạ ơn Yàng và các vị thần linh

Nghệ nhân K' Brèm dân tộc Mạ, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau một năm làm việc nhọc nhằn khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa đã chất đầy kho, ngô bắp đầy nhà, các buôn làng lại tổ chức một lễ hội mừng lúa mới. Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và là lễ hội lớn nhất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Mạ chúng tôi.

Lễ mừng lúa mới là để tạ ơn các thần linh như Yàng M’ Tơ Ngai (thần mặt trời, thần sông, thần Núi), thần Yàng N’du (tức là thần lúa) các thần đã cho buôn làng một mùa bội thu, cuộc sống no đủ.

Mừng lúa mới, cầu mong một mùa bội thu của dân tộc Mạ
Gà được hiến tế trong lễ mừng lúa mới

Lễ vật cúng trong lễ mừng lúa mới được dân làng chuẩn bị tươm tất, bao gồm: Cây nêu, nhà kho, rượu cần, trứng, cơm mới, đọt mây, nước trắng và đặc biệt là gà - con vật hiến sinh không thể thiếu. Trong nghi thức lễ mừng lúa mới của người Mạ, cây nêu là một trong những thành tố quan trọng, là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế, còn cây nêu, tức là thần còn ở đó.

Mừng lúa mới, cầu mong một mùa bội thu của dân tộc Mạ
Dàn chiêng tấu lên thông báo buổi lễ bắt đầu

Lễ hội mừng lúa mới có thể được tổ chức trong phạm vi một cộng đồng; một dòng họ; một đại gia đình. Chính vì thế vật hiến tế có thể là trâu, dê, gà tùy theo phạm vi lớn hay nhỏ. Trước khi tiến hành nghi lễ, chủ lễ kiểm tra lễ vật cúng Yàng và thần linh được xếp xung quanh cây nêu. Tiếp đó, khèn bầu, dàn chiêng tấu lên thông báo buổi lễ bắt đầu, đồng thời thổi tù và để báo cáo Yàng, thần linh và thông báo với buôn làng gần xa về việc tổ chức lễ hội.

Mừng lúa mới, cầu mong một mùa bội thu của dân tộc Mạ
Nghi thức lễ mừng lúa mới của dân tộc Mạ

Dân làng tập trung xung quanh cây nêu, già làng tiến hành nghi thức hiến tế và khấn Yàng: Ơi Yàng. Xin Yàng không ốm không đau. Xin Yàng giúp đỡ cho chúng tôi trong việc làm ăn, được lúa, được mùa. Từ nay xin Yàng cho chúng tôi được mùa màng mãi mãi, xin đừng bỏ chúng tôi đói khát. Đây có lúa mới, có dê, có gà, có vịt, chúng tôi bắt đưa cho Yàng đây. Xin Yàng nhận lễ của chúng tôi dâng mà giúp đỡ chúng tôi mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc.

Nghi thức cúng mừng lúa mới xong, dân làng cùng nghe lời dặn dò của già làng, thưởng thức điệu hát dân ca R’ tắp R’ ting - với ý nghĩa dặn dò con cháu phải giữ gìn phong tục, tập quán của ông cha để lại. Tham gia điệu hát dân ca dân tộc Mạ: Kok Kek Kon Tàm Rao - với hàm ý cầu gặp nhiều may mắn ...lên nương lên rẫy thì được mùa tốt tươi, xuống suối thì bắt được nhiều con cua, con cá. Mừng lúa mới cũng là dịp để những chàng trai, cô gái nhảy múa ca hát hát bên tiếng cồng, tiếng chiêng.

Việc tổ chức lễ mừng lúa mới góp phần giúp đồng bào Mạ nâng cao ý thức giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.


Tác giả: Phạm Tiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết