Luật Thủ đô (sửa đổi): Tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương và 57 điều (tăng 1 chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).
Đảng đoàn Quốc hội vừa làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các nội dung xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng cũng là giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Hà Nội.
Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học; những nội dung không tiếp thu phải được giải trình thuyết phục, có cơ sở, bảo đảm mọi ý kiến của các vị đại biểu đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý phải phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và quy định của Hiến pháp; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nếu có những nội dung, vấn đề mới, chưa được Chính phủ đề xuất nhưng được đại biểu Quốc hội hoặc các cơ quan của Quốc hội nêu trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến và là những nội dung quan trọng, phù hợp, cần được bổ sung vào dự thảo Luật để nâng cao hơn nữa chất lượng và tính khả thi của Luật thì các cơ quan thảo luận kỹ lưỡng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với các nội dung, chính sách mới, cần có sự phân tích chính sách, đánh giá tác động một cách thận trọng, kỹ lưỡng và phải đề xuất được phương án cụ thể để chỉnh lý vào dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương và 57 điều (tăng 1 chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).
Trong đó, đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, rõ phạm vi, rõ trách nhiệm hơn cho thành phố Hà Nội; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị về rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, đối tác công tư, mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, có cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội; xây dựng cơ chế đặc thù ngân sách Nhà nước trong việc huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ các vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như về: Mô hình tổ chức chính quyền, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn; quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp bảo đảm quy hoạch; quản lý không gian ngầm; phát triển các khu công nghệ cao; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng…
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Thủ đô là dự án luật quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn đối với cả nước. Đây cũng là dự án Luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung khác với một số luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ chuyên ngành, đặc biệt tiếp thu các chủ trương, đường lối, định hướng quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thể chế hóa trong dự thảo Luật; làm sao để Luật vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trong đó, về các điều khoản liên quan đến biên chế, tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng cụ thể trong Luật để thực hiện. Đối với dự án BT, đề nghị nghiên cứu thêm đề xuất cụ thể các hình thức liên quan để bảo đảm tính khả thi. Về mô hình phát triển đô thị TOD, cần nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, vận dụng đa dạng các loại hình như ý kiến của Bộ Xây dựng để bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội là đô thị đặc biệt. Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ chương này xem liệu có cần thiết phải đưa thành một chương riêng hay không...
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo ngay sau hội nghị này, tập trung cao độ hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 3 này, bảo đảm dự án Luật có chất lượng tốt nhất.