Kỳ thi THPT năm 2023: Những điểm mới cần lưu ý
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 7. Khoảng thời gian từ nay tới kỳ thi không còn dài. Các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đang tập trung cao độ nhằm giúp học sinh lớp 12 vừa hoàn thành chương trình theo quy định, vừa ôn tập để đáp ứng tốt yêu cầu kỳ thi.
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT vừa công bố, có một số quy định mới liên quan đến trách nhiệm thí sinh. Đây là những điều chỉnh mới, khác so với các kỳ thi năm trước. Vì vậy thí sinh cần ghi nhớ thực hiện đúng, tránh vi phạm để ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: P.T |
Điều chỉnh quan trọng đầu tiên là danh sách vật dụng được mang vào phòng thi. Nếu như quy định hiện hành cho phép thí sinh mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp, nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”, thì ở kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến không cho phép thí sinh mang theo các vật dụng này. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng, gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Một điểm mới nữa dự kiến áp dụng từ kỳ thi năm nay, đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp lại bài thi kèm đề thi, giấy nháp. Khi rời phòng thi, thí sinh phải di chuyển đến phòng chờ và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi, không được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi như những năm trước.
Về cách thức đăng ký dự thi, toàn bộ thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023 sẽ đăng ký theo hình thức trực tuyến. Riêng thí sinh học xong THPT, nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi, nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.
Anh Phạm Tiến Thành (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ: “Đây là kỳ thi rất quan trọng đối với học sinh nhằm đánh giá kết quả học tập sau 12 năm học. Ngoài ra, nhiều học sinh còn sử dụng kết quả của kỳ thi để đăng ký xét tuyển đại học, vì vậy việc cung cấp thông tin về định hướng kỳ thi rất cần thiết. Tôi mong cơ quan chức năng sớm công bố quy chế thi chính thức cũng như những hướng dẫn liên quan để học sinh yên tâm và chủ động phương án tốt nhất”.
Qua ghi nhận, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh việc dạy chính khóa, các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch củng cố kiến thức, định hướng các nội dung trọng tâm cho học sinh lớp 12 bắt nhịp kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), Hiệu trưởng Lê Việt Dương cho biết, năm nay, Trường THPT Trương Định có 16 lớp 12 với hơn 600 học sinh. Kế hoạch học tập của học sinh lớp 12 đã được nhà trường xây dựng từ đầu năm học với lộ trình cụ thể ở từng chặng. Nhằm giúp học sinh tập dượt với không khí kỳ thi, cũng để đánh giá khách quan mức độ đáp ứng bài học của học sinh, kỳ kiểm tra học kỳ I vừa qua, với hầu hết các môn thi, nhà trường đều tổ chức chia phòng với cách thức, thời gian, hình thức đề bài như kỳ thi thật. Kết quả các bài kiểm tra học kỳ I được Ban Giám hiệu nhà trường và các tổ chuyên môn xem xét kỹ để kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh.
Từ đầu năm học 2022 - 2023, Trường THPT Tô Hiệu (huyện Gia Lâm) đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức và chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Nhà trường cũng chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập, tập trung ôn tập nội dung kiến thức nhận biết, thông thường có trong đề thi, đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng của kỳ thi.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức kỳ khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 12. Kỳ khảo sát giúp học sinh làm quen với dạng thức đề thi, xác định được mức độ tiến bộ của mình ở môn thi trong quá trình học và ôn tập, đồng thời chuẩn bị kế hoạch tự ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sau khi kết thúc chương trình học tại nhà trường.
Theo đánh giá, công tác tổ chức kỳ khảo sát được thực hiện nghiêm túc, phần đông học sinh hoàn thành các bài thi và làm quen với không khí trường thi. Đây là bước “chạy đà” cần thiết để học sinh rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi thật.
Hay tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh học sinh để cùng đồng hành nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng phổ biến quy chế thi cho phụ huynh và học sinh; xây dựng kế hoạch ôn thi, thi thử trên mạng, thi thử trực tiếp để học sinh được cọ xát; tổ chức lớp học miễn phí dành cho học sinh yếu kém các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học... Hiện, thầy và trò nhà trường đang tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi bên cạnh hoàn thành các kế hoạch học tập của năm học.
Được biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; chuẩn bị thật tốt việc lựa chọn nhân sự để tham gia các khâu của kỳ thi. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các địa phương quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình đăng ký dự thi.
Cùng đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn hành vi gian lận, nhất là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh.
Phạm Thảo