Kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
Trong báo cáo gửi Quốc hội cùng các vị đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Bộ GD&ĐT đã thông tin về kết quả thực hiện 19 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK).
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Cùng đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt Chương trình giáo dục tích hợp; danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; SGK và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2 để thực hiện theo đúng lộ trình thực hiện đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiểm tra, tư vấn và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 3; phê duyệt Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông theo Chương trình GDPT 2018; hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn SGK chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023; tổ chức giới thiệu và tập huấn sử dụng SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghiên cứu, tổ chức đề xuất lựa chọn SGK và tiến hành dạy thử nghiệm ngay sau khi tập huấn.
Việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện thông qua Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP) |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018, nhằm điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình GDPT môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”. Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của Chương trình GDPT 2018.
Nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT các cơ sở GDPT và giáo dục thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá học sinh và tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học đối với môn Tiếng Việt cấp Tiểu học và môn Ngữ Văn cấp Trung học.
Việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện thông qua Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP). Theo đó, gần 30.000 giáo viên cốt cán và hơn 4.000 hiệu trưởng cốt cán được bồi dưỡng về các nội dung như: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; phương pháp dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục; tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học, giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng công nghệ trong dạy học, giáo dục; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục…
Việc bồi dưỡng cốt cán được thực hiện theo mô hình 5-3-7. Việc triển khai bồi dưỡng đại trà được thực hiện theo phương thức: Thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Kết quả bồi dưỡng đã đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, các Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai bồi dưỡng, đưa nội dung 54 mô đun thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý theo quy định.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Song, cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nhu cầu, đăng ký và triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu; mua sắm thiết bị dạy học hiện đại, phòng học thông minh trang bị cho phòng học theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018; đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường và bố trí số lượng học sinh/lớp theo quy định đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục nhằm quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở GDPT và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập.
Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông; tăng cường hướng dẫn lựa chọn SGK, tập huấn hướng dẫn sử dụng SGK các môn học/hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh thăm quan khu trưng bày SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội. |
Cùng đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, bảo đảm chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để nâng cao chất lượng SGK.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn SGK dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo kế hoạch đã ban hành; chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số SGK được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille; phát huy việc biên soạn SGK điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản về định mức biên chế giáo viên; tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng; kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình đổi mới chương trình, SGK; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động kiểm tra, rà soát và phát huy tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.