Huyện Krông Nô nâng cao đời sống lao động nông thôn nhờ chú trọng giáo dục nghề nghiệp
Những năm gần đây, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã có những bước tiến đáng kể trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên, mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp định kỳ đã giúp học sinh THCS, THPT huyện Krông Nô giải đáp kịp thời những băn khoăn về chọn trường, chọn nghề, giáo dục đào tạo, thị trường lao động và việc làm. Ảnh: KRN
Đa dạng hóa ngành nghề, nâng chất đào tạo
Xác định công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ then chốt, một trong những khâu đột phá để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, huyện Krông Nô đã chú trọng ban hành các văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc học nghề. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày hội việc làm, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức thường xuyên, giúp người lao động tiếp cận thông tin đào tạo nghề và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, huyện chú trọng điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề, quan tâm đến đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề.
Các lớp đào tạo nghề đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện Krông Nô, giúp họ nâng cao tay nghề, tìm kiếm việc làm ổn định và cải thiện thu nhập. Ảnh: KRN
Đơn cử, trong năm 2024, Huyện đoàn Krông Nô đã tổ chức 7 lớp tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên, tại các trường học trên địa bàn. Chú trọng hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin thị trường lao động và tìm kiếm việc cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trung bình mỗi năm, hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn huyện được đào tạo các nghề sát với nhu cầu thực tế. Nhiều lao động, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.
Kinh tế địa phương đang trên đà phát triển, huyện Krông Nô tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp như sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng, điện dân dụng... được ưu tiên đào tạo.
Bên cạnh việc đào tạo nghề tại chỗ, huyện Krông Nô cũng chú trọng đến việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là một giải pháp quan trọng giúp người lao động có cơ hội nâng cao thu nhập, tích lũy kinh nghiệm và cải thiện cuộc sống.
Huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức có uy tín để tư vấn, giới thiệu các chương trình xuất khẩu lao động phù hợp với năng lực và nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách, quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, giúp người lao động nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi làm việc ở nước ngoài.
Huyện Krông Nô thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tập huấn kỹ năng sống và cung cấp thông tin thị trường lao động trong, ngoài nước cho học sinh. Ảnh: KRN
Hiệu quả thiết thực từ các lớp đào tạo nghề
Theo UBND huyện Krông Nô, giai đoạn 2022-2024, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Krông Nô đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 600 học viên tham gia.
Tham gia học nghề, các học viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu, kết hợp lý thuyết và thực hành. Nhờ đó, các học viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn thành thạo các kỹ năng nghề, vận dụng ngay vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế.
Điển hình như chị Hà Thị Đức (dân tộc Mường, ở thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh) đã phát triển bản thân nhờ khóa học nấu ăn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Từ đam mê nấu ăn, chị đã mạnh dạn mở dịch vụ tiệc cưới, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh việc đào tạo nghề tại chỗ, huyện Krông Nô đẩy mạnh xuất khẩu lao động, phối hợp doanh nghiệp tư vấn, tuyên truyền chính sách, giúp người lao động nâng cao thu nhập, kinh nghiệm. Ảnh: KRN
Theo ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô, thời gian vừa qua, huyện luôn chú trọng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp với hàng trăm lao động dân tộc thiểu số được học nghề miễn phí theo các nhóm nghề phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tùy theo trình độ và nhu cầu của người học, giúp người học có tay nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng lao động, nhờ đó thay đổi tư duy sản xuất và sinh kế. Đây cũng là tiền đề để tăng khả năng tự tạo việc làm, tăng thu nhập và hướng tới giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, huyện Krông Nô tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn với tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo nghề, đa dạng hóa hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nâng cao hiệu quả gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, vận động lao động nông thôn tích cực học nghề, cải thiện thu nhập và phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Với những nỗ lực không ngừng, huyện Krông Nô đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao đời sống lao động nông thôn, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.