HAGL phản đối quy định độc quyền: VPF có chèn ép các CLB?
Xung đột giữa HAGL và VPF phát sinh không phải do sự chèn ép mà là bởi những đặc tính của V-League không theo kịp sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Mâu thuẫn xoay quanh nhà tài trợ giữa VPF và HAGL - một CLB hiện diện tròn 20 năm tại V.League vẫn đang âm ỉ diễn ra, khi vụ kiện tụng mà HAGL là nguyên đơn yêu cầu VPF gỡ bỏ quy định độc quyền dẫn đến chèn ép sự phát triển của các CLB, vẫn đang trong quá trình được tòa án xem xét.
Vì sao V-League có quy định độc quyền?
Rắc rối của HAGL với VPF và vụ kiện lần đầu tiên xảy ra của bóng đá Việt Nam xoay quanh quy định về ngành hàng tài trợ độc quyền của V-League. Quy định đó là gì và ở các giải đấu thể thao khác trên thế giới có hay không?
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú và đại diện nhà tài trợ chính của V-League 2023
Thực tế, điều này không phải chỉ có ở Việt Nam như nhiều người lầm tưởng. Ngoại Hạng Anh thời kỳ chưa trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ như hiện tại cũng từng có quy định ưu tiên độc quyền cho nhà tài trợ chính - ngân hàng Barclays.
Quy định về ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ thực chất là điều khoản mang tính bảo vệ thương hiệu của đối tác với giải đấu. Mức độ bảo hộ càng cao, số tiền mà giải đấu và các CLB được nhận càng lớn.
Quay trở lại với chuyện của V-League, khi VPF ra đời cách đây một thập kỷ, quy định độc quyền hiện diện trong bản hợp đồng giữa VPF và nhà tài trợ xuất hiện và kéo dài nhiều mùa giải cho đến hiện tại. Cần nhớ rằng trong thời kỳ đầu VPF điều hành các giải chuyên nghiệp, bầu Đức là Phó Chủ tịch HĐQT của công ty.
Giống như lời giải thích trong trường hợp của giải Ngoại Hạng Anh nêu trên, sự xuất hiện của quy định độc quyền này (và một số điều khoản khác như số lượng bảng quảng cáo ở các sân) là một cách để VPF tăng sức hút của giải đấu đối với nhà tài trợ. Đối với một giải đấu như V-League, đặt trong bối cảnh ảm đạm của bóng đá Việt Nam cách đây 10 năm, VPF phải chào mời đối tác bằng những quyền lợi đặc biệt là chuyện dễ hiểu.
Theo thống kê, trước năm 2012, V-League chỉ nhận tài trợ mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền hoa hồng cho đối tác môi giới. Từ mùa giải đầu tiên do VPF điều hành, gói tài trợ V-League tăng lên mức 30 tỷ đồng.
Đi kèm với các hợp đồng giá trị cao hơn trước là điều khoản quy định các CLB dự giải có trách nhiệm không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng, ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính. Đó là lĩnh vực ngân hàng - tài chính (giai đoạn 2012 - 2014, Eximbank là nhà tài trợ); Sữa và nước giải khát (2018, Nutifood); Bia và các loại nước giải khát (2019, Masan); Thiết bị điện (2020-2021, LS).
Thực tế, khác với các giải đấu trên thế giới, nguồn thu mà V.League có được là rất hạn hẹp. Trong một quãng thời gian dài, VPF cũng không có nguồn thu bằng tiền mặt đến từ bản quyền truyền hình. Tất cả bấu víu vào doanh thu đến từ nhà tài trợ chính của giải đấu. Lẽ tất nhiên, khi điều khoản “độc quyền ngành hàng” hiện diện, giá trị hợp đồng giữa VPF và nhà tài trợ cũng cao hơn.
HAGL vẫn thi đấu V-League 2023 với logo của nhà tài trợ trên áo.
VPF có chèn ép các CLB?
Nhiều người cho rằng VPF chèn ép các CLB bằng quy định về ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ chính cho giải V-League. Nhận định này không hẳn đúng. Khó nói VPF chèn ép các CLB bằng quy định về ngành hàng tài trợ độc quyền.
VPF đóng vai trò thực hiện tổ chức giải đấu chung cho tất cả các đội bóng chuyên nghiệp. Trách nhiệm của công ty - mà trong đó các CLB như HAGL đều nắm cổ phần - là đảm bảo duy trì sân chơi này mỗi năm. Việc ký hợp đồng tài trợ - bằng một cách nào đó - thực tế cũng là hướng đến quyền lợi của các CLB.
Cũng từ doanh thu có được từ nhà tài trợ, bên cạnh việc đóng góp kinh phí cho công tác đào tạo trẻ của VFF, VPF cũng đều có hỗ trợ các CLB chuyên nghiệp qua các mùa giải. Con số dự kiến sẽ tăng lên ở mùa giải năm nay nhờ nguồn thu từ bản quyền truyền hình cao hơn hẳn.
Tới năm 2022, khi mọi thứ quay trở lại nhịp bình thường, Công ty VPF tiếp tục chuyển các khoản hỗ trợ như năm 2020 và dự kiến bắt đầu từ mùa 2023, VPF sẽ tăng đáng kể các khoản hỗ trợ, dự kiến có thể ít nhất 1,5 lần nhờ việc đã bán được số tiền bản quyền truyền hình kỷ lục (hơn 2 triệu USD). Tổng số tiền hỗ trợ cho các CLB có thể lên tới 30 tỷ đồng.
Dù vậy, bản thân các CLB cũng là những chủ thể riêng biệt với những quyền lợi riêng. Điều này khiến những mâu thuẫn mang tính cá biệt đôi khi phát sinh. Rắc rối với HAGL lần này cũng là một câu chuyện như vậy.
Thực tế, nhiều đội bóng cũng vấp phải rào cản khi khai thác tài trợ từ phía CLB vì quy định độc quyền ngành hàng của VPF cũng như một số các điều khoản khác, ví dụ số lượng, vị trí đặt bảng quảng cáo. Tuy nhiên, phải đến trường hợp của HAGL, khi giá trị của bản hợp đồng lớn, vấn đề này mới được quan tâm nhiều hơn.
Cần nhắc lại là trong những mùa giải trước, ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ giải đôi khi trùng với CLB. Gần nhất, ở V-League 2022, chính HAGL cũng có nhà tài trợ nước tăng lực. Khi đó, VPF chủ động điều chỉnh các điều khoản khi ký hợp đồng với nhà tài trợ.
Vụ việc rắc rối giữa HAGL và VPF lẽ ra không nên được nhìn nhận như một cuộc đối đầu, khi một trong 2 bên làm khó bên còn lại. Trong trường hợp này, CLB và đơn vị điều hành giải đấu không có sự liên lạc đủ tốt để có sự điều chỉnh trước khi "giấy trắng mực đen". Dẫu vậy, sự giao tiếp giữa HAGL và VPF, cũng như với sự tham gia của các nhà tài trợ cũng đi đến một cái kết đẹp là việc đội bóng phố núi không phải bỏ giải.
Nếu không phải VPF chèn ép các CLB, không phải HAGL cố tình làm khó ban tổ chức thì lỗi tại ai? Có lẽ không nên tìm đối tượng đổ lỗi trong trường hợp này. Sự trục trặc đôi khi xảy ra khi luật chơi, các đặc tính của giải đấu không theo kịp sự phát triển của môi trường bóng đá. Giải pháp là các bên cùng nhau điều chỉnh trên sự thống nhất để hài hòa quyền lợi, giống như cách mà luật chơi ban đầu được tạo ra.
Theo Xuân Phương/VTC