A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần lan tỏa nét đẹp của người Hà Nội

Nhận thức được tầm quan trọng của vị trí địa lý cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều năm qua, phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất quan tâm đến việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, lan toả nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hàng Đào là một trong 10 phường nằm trong Khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm, với 9 tuyến phố. Diện tích toàn phường chỉ 0,07km2 nhưng lại là phường có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng như: Di tích Cách mạng nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập tại 48 Hàng Ngang, di tích văn hóa cấp Quốc gia Chùa Cầu Đông - Đình Đức Môn - 38 Hàng Đường…

Không chỉ vậy, nơi đây còn là trung tâm thương mại - du lịch, nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội với các con phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường, là địa bàn gắn liền với công tác phát triển du lịch của Thủ đô và cũng là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa.

Góp phần lan tỏa nét đẹp của người Hà Nội
Người dân phường Hàng Đào dọn vệ sinh đường phố.

Vì vậy, việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng do Thành phố ban hành và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn phường là một trong những nội dung trọng tâm được lãnh đạo phường Hàng Đào quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên, công chức văn hóa - xã hội phường Lê Minh Đức cho biết, phường Hàng Đào đã khéo léo lồng ghép với các phong trào là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giữ gìn trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…với phương châm lấy người dân bản địa làm trung tâm.

Chính vì vậy, mặc dù Hàng Đào là một phường tập trung nhiều người dân đến từ nhiều nơi khác nhau, nhiều phong tục, tập quán khác nhau nhưng nhờ có những nhân tố người dân bản địa làm trung tâm, các phong trào của phường đều được các tiểu thương và người tham gia mua bán nhiệt tình ủng hộ.

Là người bản địa sống trên địa bàn phường, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Mai Hạnh (số 5 Chả Cá, phường Hàng Đào) cho biết: “Người làm việc ở phố cổ phải là người có văn hóa, có sáng tạo và trí tuệ. Là người gốc Hà Nội, lại là một nghệ nhân, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, cán bộ văn hóa phường thường xuống mời tôi đi cùng để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các quy chế, quy định về văn hóa người Hà Nội…”. Từ đó, các phong trào và Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được lan tỏa và nhân rộng.

Để tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng một cách kịp thời, cán bộ phường Hàng Đào đã cùng các bác cán bộ cơ sở Tổ dân phố phát trên hàng nghìn tờ tuyên truyền đến từng hộ gia đình, giải thích, vận động người dân hiểu và chấp hành theo. Phong trào tổng vệ sinh vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần được các hộ dân hưởng ứng.

Từ những việc làm thiết thực đó, những năm qua, nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến phố lớn như Hàng Ngang - Hàng Đào luôn thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.

Bà Ngô Ngọc Hân - nguyên Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư Hàng Cá - Chả Cá: “Tôi rất hoan nghênh và nhất trí với bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng do Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành.Ngay trên địa bàn Tổ dân phố chúng tôi, với đa phần nhân dân là cán bộ công nhân viên chức, cán bộ đảng viên hưu trí, ý thức chấp hành về vệ sinh môi trường cơ bản là tốt. Các hộ dân đã chấp hành đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác tại những nơi công cộng như vỉa hè. Tuy nhiên, để giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ có vận động tuyên truyền thuyết phục.

Đối với các trường hợp vi phạm, đề nghị Ủy ban nhân dân phường kiên quyết xử phạt nghiêm để làm gương cho các hộ khác. Tôi rất mong muốn phường sẽ luôn cùng Tổ dân phố chúng tôi nỗ lực thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Chúng ta làm sạch môi trường, sạch phố phường thì chính chúng ta sẽ được hưởng lợi từ điều đó”.

Trên địa bàn phường Hàng Đào, tại các cơ sở tôn giáo, di tích lịch sử, Ban Quản lý di tích cũng niêm yết đầy đủ Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng để nhân dân, du khách thập phương được biết và thực hiện. Sư trụ trì chùa Cầu Đông Thích Đàm Toàn cho biết: “Là nơi có không gian linh thiêng, chốn mà con người đến đây được tìm về tâm linh và bình an, nên rất cần thực hiện những quy tắc ứng xử tại đây.

Các cán bộ Tổ dân phố đã phối hợp với Ban quản lý di tích phường thường xuyên nhắc nhở khách thập phương tới lễ không mặc quần áo phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục; cùng chung sức không ủng hộ mê tín dị đoan, không xâm hại cảnh quan không gian tín ngưỡng, tôn giáo.Thực tế tại chùa Cầu Đông chúng tôi đã làm rất tốt rồi. Đặc biệt các dịp ngày Rằm, mùng Một, ở đây rất trật tự, văn minh, ngăn nắp, tạo cảm giác thanh bình cho người đến lễ”.

Chia sẻ về công việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn phường Hàng Đào, ông Lê Minh Đức tâm sự: “Mảng công việc của tôi là phải vừa làm tốt chuyên môn, vừa tạo sức lan tỏa cho việc thực hiện Bộ Quy tắc ửng xử cũng như các phong trào văn hóa, thể thao. Khi vận động, tuyên truyền cho nhân dân, chúng tôi bám lấy những câu chuyện đời thường, gần gũi trong bối cảnh địa bàn phố cổ giúp mọi người thấy rõ sự cần thiết của nếp sống văn hóa, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Để làm được điều đó, tôi luôn tâm niệm trước hết phải luôn khắc phục những thiếu sót của bản thân, hiểu dân và gần dân mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với công chức của một phường tại quận trung tâm Thủ đô, bản thân tôi càng cần phải có một cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm. Chính hai Bộ Quy tắc ứng xử được thành phố Hà Nội ban hành là cơ sở để tôi soi chiếu, hành động theo”./.

Phương Bùi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết