Giữ vốn quý dân ca quan họ
Sinh ra ở mảnh đất quan họ Bắc Ninh, “anh hai” Hưng (PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng) thấm đẫm những câu quan họ cổ, quan họ mới và cả lối chơi quan họ.
Mong muốn “giữ lửa” vốn quý của dân ca quan họ, "anh hai" Hưng đã cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sưu tầm và biên soạn, xuất bản cuốn sách “Dân ca quan họ Bắc Ninh”.
Với "anh hai" Hưng, từ nhỏ, những câu quan họ, giai điệu quan họ đã ngấm sâu trong người. "Theo các cụ, nghe các cụ hát ở đình, chùa, thậm chí ra đồng cũng nghe các cụ hát, thích rồi hát theo. Trước đây, tôi không biết có vốn quan họ để làm gì, nhưng giờ thì thấy mình đang sở hữu vốn quý giá của quê hương, dân tộc”, anh Hưng cho biết.
Cuốn sách “Dân ca quan họ Bắc Ninh” xuất bản dịp kỷ niệm 15 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 11-2024). |
"Anh hai" Hưng nhớ lại hình ảnh trong làng có cụ Thà, chuyên đóng cối đi hết làng trên xóm dưới, vừa đóng cối vừa hát quan họ, trẻ con nghe cụ hát là xúm lại, vây quanh hát theo. Nghe nhiều rồi thấm, đến năm 1984, Nguyễn Tuấn Hưng khi ấy đang học tại Học viện Quân y (chuyên khoa mắt), có năng khiếu hát, đã được nhà trường cử về Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) học hát để về làm hạt nhân văn nghệ. May mắn, Nguyễn Tuấn Hưng được những người thầy giỏi và nổi tiếng ngày đó như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Tự Lẫm, NSƯT Nguyễn Thị Minh Phức, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Cải, NSƯT Lệ Ngải, NSƯT Quý Tráng... dạy hát quan họ chuyên nghiệp.
“Tôi được các bậc thầy phát huy thế mạnh, đó là hát được cả lối hát dân gian và lối hát chuyên nghiệp. Lối hát dân gian theo các cụ chậm, điềm tĩnh, nhả câu chữ từ tốn; còn các thầy cô dạy hát chuyên nghiệp thì lời hát nhanh hơn, nhả câu, nhả chữ phải giữ đúng nhịp phách. Sau khi học, trở về Học viện Quân y, tôi đã cùng các anh, chị em Học viện tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ. Hồi đó, tôi sáng tác nhiều tiểu phẩm quan họ để đi thi. Tới những năm 1993-1994, tôi về công tác tại Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự (nay là Trường Sĩ quan Chính trị), vẫn tham gia biểu diễn tại Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, được thầy giáo-NSƯT Nguyễn Xuân Mùi, ngày đó là Phó giám đốc nhà hát cổ vũ và bồi dưỡng đi thi Cuộc thi hát quan họ tỉnh Bắc Ninh năm 1994. Trong cuộc thi, tôi đã giành 3 giải nhất: Giọng hát hay nhất, mặc trang phục quan họ đẹp nhất và ứng xử hay nhất", "anh hai" Hưng chia sẻ.
Với niềm đam mê quan họ và mong muốn gìn giữ câu quan họ cổ, lối chơi quan họ, lưu trữ vốn quý-di sản của dân tộc và thế giới, PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, NSND Vũ Tự Long, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ và các chuyên gia đã cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ biên soạn cuốn sách “Dân ca quan họ Bắc Ninh”, giới thiệu gần 500 câu hát quan họ cổ; được sưu tầm và thể hiện bởi NSƯT Vũ Tự Lẫm và NSƯT Nguyễn Thị Minh Phức. Trong cuốn sách, bên cạnh những câu quan họ nổi tiếng còn có khá nhiều bài quan họ cổ mới được sưu tầm, chỉnh lý, ký âm và nhiều bài đối đáp mới. PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng cho hay, thông qua cuốn sách, anh mong muốn lưu giữ cái vốn học hỏi của cả một đời các nghệ sĩ tài năng, đam mê và trách nhiệm, cũng là lời ân nghĩa, ân tình với những người “chơi quan họ có tinh mới tường”.
Bài và ảnh: HÀ ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.