A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường đến World Cup 2026 của tuyển Việt Nam: Vẫn chỉ là giấc mơ?

Trong khuôn khổ vòng loại thứ 2, World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra tối qua (21/11) trên sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình, nhiều người tiếc nuối khi tuyển Việt Nam bị Iraq dẫn bàn vào phút bù giờ cuối cùng. Song nhìn lại cả trận đấu, nếu tiền đạo đội bạn dứt điểm tốt, tỷ số ít nhất sẽ là 3 hoặc 4-0!

Trận đấu tối qua giữa đội tuyển bóng đá nam Việt Nam và tuyển quốc gia Iraq, một số người nói rằng đá với một đội mạnh trong khu vực, đội hình lại toàn cầu thủ trẻ, giữ được thế là quá tốt.

Tuy nhiên, nếu bình tĩnh lại, khi chúng ta xác định đá để đạt mục tiêu góp mặt World Cup 2026 (khi số đội tham dự được nâng lên 48 thay vì 32 như trước) thì với những gì diễn ra trên sân, “giấc mơ” góp mặt vòng chung kết châu Á 2024 còn khó (vòng loại gặp tuyển Nhật Bản, Iraq và Indonesia), huống gì nói đến giấc mơ World Cup 2026.

Đường đến  World Cup 2026 của tuyển Việt Nam: Vẫn chỉ là giấc mơ?
Với thực lực hiện tại đường đến World Cup 2026 của tuyển Việt Nam rất khó khăn (Ảnh: LĐ)

Vì sao? Khi đã đặt quyết tâm cho mục tiêu góp mặt World Cup, đương nhiên gặp bất kỳ đối thủ nào chúng ta cũng phải đá ngang ngửa, ra tấm, ra miếng... thậm chí đá trên cơ. Nhưng tiếc thay, khi gặp đội "bình bình" khu vực và thế giới như Iraq, chúng ta đã xem họ như ngọn núi, ở đẳng cấp khác, nên mục tiêu của tuyển Việt Nam là “thủ hòa”! Gặp Iraq còn thế, nếu gặp tuyển Nhận Bản, Hàn Quốc, Ả rập- Xê út, Iran… những "ông lớn" trong khu vực, chúng ta sẽ đá ra sao?

Vẫn biết, mỗi huấn luyện viên có triết lý và cách sử dụng cầu thủ riêng, nhưng xem trận tuyển Việt Nam gặp Iraq trên sân Mỹ Đình, suốt hơn 90 phút, tuyển chúng ta chỉ sút cầu môn đối phương được khoảng 2-3 lần; còn đối phương sút cầu môn của Đặng Văn Lâm hàng tá. Không áp đặt được lối chơi, cũng chẳng có những đường lên bóng để thể hiện “khát vọng” World Cup. Một đội hình mà suốt 97 phút, không thấy thủ lĩnh nào cầm trịch trận đấu trên sân. Những Hùng Dũng, Hoàng Đức vốn vừa là "công thần", vừa là "trái tim" của tuyển Việt Nam có nhiệm vụ điều tiết lối chơi dưới thời HLV Park Hang-seo thì bị ngồi dự bị suốt 2 trận đấu, không được vào sân!

Nên nhớ, bất kỳ đội bóng đá nào trên thế giới, dù có thay đổi huấn luyện viên, khi những vị trí được xác định là “bộ não”, “trái tim” của đội tuyển; đặc biệt hàng tiền vệ, bao giờ thuyền trưởng cũng giữ lại họ trên sân. Đơn giản, họ có kinh nghiệm trận mạc, biết điều tiết lối chơi. Đành rằng, “một con én không làm nên mùa xuân”, nhưng với bóng đá, một ngôi sao lại có thể quyết định trận đấu.

Trả lờì báo chí sau trận đấu, HLV Philippe Troussier nói đại ý, muốn tiến xa ra thế giới đừng nghĩ đến hào quang trong khu vực Đông Nam Á hay châu Á. Do đó, phải có triết lý bóng đá khác, phải là sức mạnh tập thể chứ không phải một vài cá nhân. Hoàng Đức trong con mắt của ông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nên ông chưa dùng.

Biết là vậy, quyền của HLV là thế, chuyện rất bình thường. Nhưng nhìn lại trận đấu tối qua, cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh (cựu tuyển quốc gia), Thái Sơn cầu thủ mới vẫn chưa thể hiện được vai trò điều phối lối chơi. Kể cả sau khi Tuấn Anh thay ra, HLV Philippe Troussier bổ sung thêm một cầu thủ trẻ, hàng tiền vệ tuyển Việt Nam vẫn vậy. Điều tiết trận đấu và chuyển hướng tấn công, xẻ những đường chọc khe hay đường chuyền vượt tuyến cho tiền đạo ghi bàn gần như con số không tròn trĩnh. Chỉ gần cuối hiệp hai, một vài đường tấn công biên từ chân Khuất Văn Khang, Đình Bắc... có chút đường nét, âu cũng “an ủi” cho cả trận cầu.

Điều cần nhấn mạnh, đây là vòng bảng vòng loại thứ 2, World Cup 2026 chứ không phải đá giao lưu, đá thử nghiệm. Bởi vậy, khi đã mơ "giấc mơ" World Cup, thì dù có gặp đội nào chúng ta cũng phải đá ngang ngửa và sòng phẳng, chứ không phải đá cốt để hòa… Với những gì đang có, xem ra đường đến World Cup 2026 với tuyển Việt Nam vẫn còn xa vời!

H.Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...