Đưa Đình Chèm trở thành Di tích lịch sử kiểu mẫu
Nhằm góp phần làm tăng giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Thụy Phương khảo sát thực tế, triển khai mô hình điểm "Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm.
Bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN phường Thụy Phương cho biết, thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm về việc “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025” và Hướng dẫn số 02/HD-BTV ngày 14/3/2023 của Ban Thường vụ Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm về triển khai mô hình điểm “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, Hội LHPN phường Thụy Phương đã báo cáo lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đến các chi hội, tiến hành khảo sát thực tế để triển khai thực hiện mô hình.
Đại biểu quận Bắc Từ Liêm dâng hương tại Đình Chèm. |
Theo đó, Hội đã tích cực phối hợp với Đài phát thanh phường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tại các cuộc họp, sinh hoạt hội viên để đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu, thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Chùa, các điểm di tích trên địa bàn phường. Nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan tại khu di tích; tuyên truyền, hướng dẫn các du khách khi đến tham quan chiêm bái Đình trang phục phải lịch sự, ứng xử văn minh, không vứt rác bữa bãi nơi công cộng, không đốt vàng mã trong khu di tích...
Ngoài ra, Hội cũng tuyên truyền, vận động thành lập Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử với 24 thành viên và bước đầu đi vào hoạt động. Xây dựng tủ trang phục gồm áo dài, váy quây tại nơi di tích và phân công hội viên trực, hướng dẫn và hỗ trợ du khánh tham quan chiêm bái Đình mà trang phục chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ phường phối hợp với Chính quyền địa phương và các hội đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ địa phương trong trang phục áo dài truyền thống khi đón tiếp khách du lịch; khi tham gia lễ hội, các ngày kỵ nhật… tại khu di tích.
Đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, ngày Di sản văn hóa Việt Nam, lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm… nhằm giới thiệu, quảng bá về giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm.
Hội LHPN phường Thụy Phương cũng đã phối hợp với các hội đoàn thể và Ban quản lý di tích tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác… quanh khu vực Đình Chèm và đoạn đường vào khu di tích trong các dịp lễ, Tết; đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ hội truyền thống Đình Chèm tháng 5 âm lịch. Cán bộ hội viên phụ nữ cùng tổ lễ tân nhà Đình thường xuyên chăm sóc các bồn, chậu hoa cây cảnh cũng như quét dọn vệ sinh trong khuôn viên nội tự… tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tôn lên vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của Đình Chèm.
Ra mắt “Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm. |
Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Thụy Phương, để mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Đình Chèm hoạt động hiệu quả, Hội LHPN phường đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt chú trọng các nội dung thuộc Điều 11 của Quy tắc nhằm từng bước xây dựng và hình thành chuẩn mực văn hóa của mỗi cá nhân khi đến thăm quan tại khu di tích.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của “Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, đồng thời tiếp tục phân công các thành viên trong Tổ phụ nữ nòng cốt hỗ trợ trang phục cho nhân dân và du khách khi tới thăm quan tại Di tích.
Tiếp tục vận động nguồn xã hội hóa xây dựng các thùng rác công cộng trên đoạn đường vào khu di tích nhằm nâng cao ý thức của du khách trong việc phân loại rác thải; duy trì việc tổng dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc, trồng thêm hoa vào các tuyến đường quanh khu di tích để làm đẹp thêm cảnh quan môi trường…
“Chúng tôi xác định công trình nhỏ mang ý nghĩa lớn, vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích cũng như người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng”, bà Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đây là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng). Lễ hội Đình Chèm diễn ra từ ngày 14 - 16/5 âm lịch để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng thời xa xưa và được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Với những giá trị tiêu biểu, Đình Chèm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017. |