A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Thủ đô phải có chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực y học dự phòng

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực y tế, GS. TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y cho rằng cần có một tư duy thống nhất dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Sáng 1/8, tại hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức, GS. TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y đã đóng góp những ý kiến về lĩnh vực y tế.

Điều chỉnh quy định chuyển giao bệnh viện cho phù hợp

GS. TS Tạ Thành Văn nêu, trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Trên thực tế, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng; sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học sự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà hiện nay vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.

Chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Hiện nay, cho dù tình hình có được cải thiện hơn song vẫn còn xa với nhu cầu thực tiễn của ngành y tế Thủ đô đòi hỏi.

Dự thảo Luật Thủ đô phải có chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực y học dự phòng
GS. TS Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y đóng góp những ý kiến về lĩnh vực y tế vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Từ những phân tích đó, GS. TS Tạ Thành Văn đã góp ý về Điều 26 “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân” với quy định mới trong Dự thảo sửa đổi về việc “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”. Có một số quan điểm không đồng nhất về nội dung này xuất phát từ các góc nhìn khác nhau, GS. TS Tạ Thành Văn đề xuất nên điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp.

“Ở Việt Nam, theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2023, không còn bệnh viện hạng đặc biệt; cần xem lại sự phù hợp của việc chuyển các bệnh viện tuyến cuối “hạng đặc biệt” thuộc Bộ Y tế quản lý”, GS. TS Tạ Thành Văn nói.

Bên cạnh đó, theo GS. TS Tạ Thành Văn, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, Trường đại học Y Dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô; thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tới từng người dân với một trung tâm quản lý dữ liệu thống nhất và đồng bộ.

Cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Cần có một tư duy thống nhất dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Cần có một chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm cơ sở y tế này…

Dự thảo Luật Thủ đô phải có chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực y học dự phòng
Toàn cảnh hội thảo.

Đặc biệt với thành phố Hà Nội rất cần cần thiết phải được nghiên cứu phát triển một số chính sách đặc thù trong phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình, mô hình y tế phổ biến ở hầu hết các nước phát triển. Về mặt câu từ, nên dùng “mạng lưới bác sĩ gia đình” thay vì “hệ thống bác sĩ gia đình”.

Phân bố cơ sở y tế gắn với quy hoạch mạng lưới đô thị

Góp ý vào 2 Điều 26: “Dự án đầu tư thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, cơ sở y tế tại các vùng sâu, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội của Thủ đô được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này. Nhà đầu tư trong các lĩnh vực, địa bàn quy định tại khoản này được hưởng các ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này”, GS. TS Tạ Thành Văn cho rằng cần phải thống nhất với Khoản 1 khi đã có chủ trương “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các Trường Đại học Y”.

Để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: cơ sở y tế trực thuộc trung ương/Trường đại học Y - Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân. Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người.

Thêm vào đó, trong Dự thảo Luật cũng cần đề cập vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ trong sóc sức khoẻ người dân Thủ đô. Dự thảo Luật cần thiết phải đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y học dự phòng.

Tại khoản 3 Điều 26: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội”, GS. TS Tạ Thành Văn cho rằng tên khoản 3 nên thay từ “của” bằng từ “trên địa bàn” đề tránh sự phân biệt với các bệnh viện, cơ sở y tế công lập khác. Các ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, sự tự chủ trong sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa cần được áp dụng không phân biệt giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, với mục tiêu cung ứng tốt nhất dịch vụ công trong lĩnh vực y tế.

Tại điểm d khoản 7 Điều 26: “Việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến trên thế giới đối với các cơ sở y tế của Thủ đô trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập”, GS. TS Tạ Thành Văn nhấn mạnh trên thế giới, các kỹ thuật mới, phương pháp mới ứng dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và y học dự phòng được đổi mới và cập nhật thường xuyên ở các cơ sở y tế. Việt Nam cũng vậy, việc đổi mới công nghệ y tế diễn ra thường xuyên, đặc biệt là các cơ sở y tế lớn.

“Nên trao nhiệm vụ thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định cho Sở Y tế. Kể cả khi được thông qua thì những kỹ thuật hay phương pháp điều trị mới này chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô nếu hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Cũng trong khoản này, những lĩnh vực chuyên môn đặc thù nên cân nhắc để giao cho Sở Y tế ban hành các quy định, chỉ đạo triển khai và giám sát các hoạt động thay vì tất cả đều do UBND Thành phố đảm nhiệm”, GS. TS Tạ Thành Văn góp ý.

Ngân Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết