Điều dưỡng là công việc của trái tim
Hơn một nửa cán bộ y tế cả nước là các điều dưỡng, họ chính là những nhân viên y tế âm thầm, hy sinh cống hiến ngày đêm vì sức khỏe người bệnh. Thực tế, ngành Y tế không thể đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng và hài lòng của người bệnh nếu dịch vụ do điều dưỡng viên, hộ sinh viên và kỹ thuật viên cung cấp chất lượng kém.
Song hành với bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó là người điều dưỡng. Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim. Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.
Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim |
Theo Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình: "Để phát triển ngành điều dưỡng phù hợp với xu hướng quốc tế, chúng ta cần hiểu điều dưỡng là ngành khoa học và nghệ thuật. Đây thực sự là ngành khoa học đa khoa có nhiều chuyên khoa sau đại học. Ngoài ra, điều dưỡng cũng là một nghề đòi hỏi nghệ thuật giao tiếp ứng xử để chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Để trở thành điều dưỡng chuyên nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian đào tạo, tích lũy kinh nghiệm, đối mới sáng tạo trong nghề nghiệp.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trưởng Phòng điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Điều dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Trong đó, lực lượng điều dưỡng không chỉ chăm sóc về mặt sức khoẻ, mà còn chăm sóc cả về tâm lý, tinh thần cho người bệnh. Đồng thời, mỗi điều dưỡng cũng đóng vai trò là một nhà biện hộ, bảo vệ, để đảm bảo những quyền lợi tối đa cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
"Công tác điều dưỡng là sự kết hợp giữa điều trị với chăm sóc và nuôi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân gồm: Chăm sóc chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật, thủ thuật, thuốc, dịch truyền, chăm sóc cận lâm sàng, vệ sinh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, tư vấn giáo dục sức khỏe…”- Thạc sĩ Ngọc Dung phân tích.
Hiện nay, lực lượng điều dưỡng không chỉ chịu những áp lực rủi ro nghề nghiệp nói chung của ngành Y tế như: Bệnh nghề nghiệp, lây nhiễm do vi sinh, các bệnh liên quan đến phóng xạ, vật lý,... mà rất nhiều vấn đề về tâm lý cũng bị ảnh hưởng.
"Đơn cử, theo nghiên cứu mới nhất của Hội điều dưỡng cho thấy 56,6% cán bộ y tế bị trầm cảm do chăm sóc bệnh nhân ung thư, họ thường bị căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ. Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, do đó, cán bộ điều dưỡng trong lĩnh vực này càng vất vả hơn"- bà Phạm Thanh Bình cho biết.
Đặc biệt, ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ hiện hành cho lực lượng điều dưỡng chưa tương xứng với đặc thù nghề y như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù… Nhưng vượt lên tất cả, các điều dưỡng của Việt Nam vẫn luôn tận tâm với nghề, vượt qua bao khó khăn đời thường, đã lao vào tâm dịch cùng đội ngũ bác sĩ cứu sống nhiều bệnh nhân trong giai đoạn dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, từ thực tế về công tác điều dưỡng,Trưởng Phòng điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết trong những năm qua, tuy nhận thức về địa vị và giá trị của điều dưỡng trong y học và trong khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, nhưng không ít các cán bộ trong ngành, người dân vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của người điều dưỡng. Mặc dù học vấn của người điều dưỡng ngày càng được nâng cao đến trình độ đại học và sau đại học nhưng vị thế xã hội của người điều dưỡng luôn bị đánh giá thấp.
“Mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng điều dưỡng, để các nhân viên y tế làm công việc đặc thù có những ưu đãi về nghề nghiệp cao hơn. Đặc biệt, ngành Y tế cần có những chính sách kịp thời dành cho những đối tượng là điều dưỡng… Và với tư cách là một Trưởng phòng điều dưỡng trong Bệnh viện, tôi cũng rất mong người dân sẽ có sự nhìn nhận đánh giá đúng về vai trò của nghề điều dưỡng trong thời gian tới, để lực lượng lao động trực tiếp này có thêm sự động viên, gắn bó và yêu nghề hơn”- Trưởng Phòng điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết thêm.
Còn Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng, với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc Hội và Bộ Y tế, những chính sách về lương, cơ chế viện phí và đấu thầu thuốc, trang thiết bị tại các cơ sở y tế sẽ dần được tháo gỡ để giảm khó khăn cho những cán bộ y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng. Từ đó tạo thêm động lực giúp lực lượng điều dưỡng luôn tận tâm với bệnh nhân, tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, qua kết quả điều tra từ 55.162 điều dưỡng trên toàn quốc, kể cả trong và ngoài công lập của Hội Điều dưỡng Việt Nam: Tỷ lệ hài lòng của điều dưỡng về nghề nghiệp thấp chỉ (27,2%); hài lòng về lương và phúc lợi (35,1%); công việc, cơ hội học tập và thăng tiến (51,2%); môi trường làm việc (53,3%) và điều dưỡng hài lòng cao nhất là với đồng nghiệp 67%. |