Dịch sởi có xu hướng giảm nhưng chưa dừng lại
Theo dự báo của Bộ Y tế, dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Các đơn vị chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng ứng phó với các mức độ, quy mô dịch, không để dịch sởi kéo dài trong cộng đồng.
Vắc xin sởi là biện pháp duy nhất có thể ngăn ngừa bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cộng đồng. Ảnh: IT
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 52.000 ca nhiễm sởi. Dự báo số ca mắc sởi sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tại Hà Nội, trong tuần cuối tháng 3, ghi nhận 189 trường hợp sởi tại 28 quận, huyện. Số mắc trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch; giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 21 quận, huyện.
Trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi trẻ em và người lớn tại các bệnh viện, ông Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca nhập viện trong 3 tháng đầu của năm 2025 cao hơn hai lần tổng số ca của cả năm 2024. Trong đó, 14% bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi; 60% chưa tiêm chủng hoặc chưa đủ tháng tuổi để tiêm. Trong số các trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị đã ghi nhận 13 ca tử vong. Tuy nhiên, các ca tử vong này là bệnh nhân có những bệnh nền phức tạp như viêm phổi, đẻ non, rối loạn chuyển hóa, teo đường mật, viêm màng não. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, sàng lọc từ 70 - 90 trẻ mắc sởi, cao điểm có ngày hơn 100 trẻ.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược điều trị. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện đã được chuyển đổi thành nơi thu dung bệnh nhân mắc sởi, các bệnh nhân khác sẽ được phân luồng sang các khoa, phòng khác để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm chéo.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi, bệnh viện đã cập nhật lại phác đồ điều trị và dự trù nguồn cung ứng vitamin A liều cao để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thiết lập một hệ thống giám sát và quản lý ca bệnh hiệu quả…
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lo ngại vì số lượng nội trú đông, phòng bệnh có hạn, phòng cách ly tiêu chuẩn còn hạn chế, trong khi bệnh nhân nội trú thường nặng, nhiều bệnh lý nền nặng, nguy cơ mắc sởi cao, thời gian nằm viện kéo dài.
Tại Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai, theo báo cáo từ cuối năm 2024 đến nay đã khám, điều trị cho 104 bệnh nhân mắc sởi trong đó có ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng, có 2 ca thở máy xâm nhập, 1 ca ECMO đã ổn định ra viện.
Theo ông Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai, các bệnh nhân mắc sởi vào viện điều trị so với mọi năm có biến chứng nặng hơn. Độ tuổi trung bình mắc sởi nhập viện là từ 30 - 65 tuổi, đáng lưu ý có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc sởi biến chứng nặng và đang phải thở máy…
“Điều này cho thấy sởi không thể chủ quan dù là người lớn thì biến chứng nặng cũng rất cao”, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế đánh giá, nguyên nhân làm cho số ca mắc tăng là do bước vào chu kỳ của dịch và nhất là những năm gần đây tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi cho các nhóm đối tượng chỉ đạt dưới 90% mục tiêu đề ra, nên hằng năm tích lũy lại một số đối tượng chưa được tiêm vắc xin và không có miễn dịch.
Đáng chú ý, thời gian qua, một bộ phận người dân chủ quan, lơ là không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; trong đó có những người vẫn còn e ngại về việc tiêm chủng khi lo ngại về hiệu quả và tác dụng phụ của vắc xin, cho nên chưa thực sự hưởng ứng tham gia các kỳ tiêm chủng thường xuyên hay chiến dịch. Điều này dẫn đến không tạo được miễn dịch cộng đồng và dẫn đến những trường hợp tử vong do không được tiêm vắc xin.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc với bệnh nhân sởi và trung bình một người mắc bệnh có thể lây cho từ 12 đến 18 người, chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Vắc xin sởi là biện pháp duy nhất có thể ngăn ngừa bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết, trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi; Trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi; Trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi thì được tiêm bù mũi (sử dụng vắc xin chứa thành phần sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025).
Theo dự báo của Bộ Y tế, dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp.
Trước tình hình dịch sởi tiếp tục gia tăng, huy động, tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin phòng bệnh sởi do Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam tài trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận, phân bổ toàn bộ số vắc xin này cho các địa phương trên cả nước. Đồng thời Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng bù mũi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng, chống sởi và đã ra 2 công điện tăng cường phòng, chống bệnh sởi cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin sởi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tiếp có các chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống bệnh sởi nói riêng.
“Vì vậy, các đơn vị chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng ứng phó với các mức độ, quy mô dịch, không để dịch sởi kéo dài trong cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn lưu ý.