A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất thêm quy định Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non và phổ thông

Thành phố đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao

Đây là đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Hội thảo phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô, do Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp tổ chức, nhằm xây dựng chính sách sửa đổi Luật Thủ đô.

Trình bày đề xuất chính sách xây dựng chính sách đào tạo của Thủ đô, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, mục tiêu của chính sách phát triển giáo dục Thủ đô đặt ra là xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mở rộng quy mô hợp tác quốc tế.

Đề xuất thêm quy định Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non và phổ thông
Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học.

Thành phố khuyến khích người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Thủ đô với ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi trong các luật hiện hành. Cụ thể, ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế về giáo dục theo quy định của pháp luật.

Thành phố được áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hỗ trợ cùng một mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thành phố không phân biệt trường công lập và trường tư thục.

Cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. Thành phố được ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập; được quy định hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học.

Đề xuất thêm quy định Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non và phổ thông
Thành phố đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.

Đồng thời, Thành phố đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế; lập Quỹ học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô để cử đi học tập, đào tạo ở các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín của quốc tế, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quay về phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Hà Nội là thị trường hấp dẫn nhất cả nước

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành đánh giá, các chính sách được đề xuất có tính khả thi rất cao. Trong các đề xuất, có những nội dung đã triển khai như điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông và mầm non với một số môn học.

Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “chương trình nhà trường”, Trường trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành đã đưa môn Tin học, Tiếng Anh vào học tăng cường buổi 2. Sửa đổi Luật Thủ đô, cần cụ thể các nội dung này, để làm sao có những chính sách mang tính khai phóng cho Hà Nội dựa trên những nguồn lực của Hà Nội. Về liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài, bà Thu Anh cho rằng, cần nêu rõ là liên kết cả về chương trình giáo dục.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu xem giáo dục là một thị trường, thì Hà Nội là thị trường hấp dẫn nhất cả nước, không chỉ với Việt Nam mà cả với khu vực châu Á, với độ tuổi đi học khoảng hơn 2 triệu người và nhu cầu sẵn sàng chi trả cho học tập của người dân khá cao...

Đề xuất thêm quy định Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non và phổ thông
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất Thành phố được ban hành cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục là cần thiết.

Tuy nhiên, quy định về giáo dục đào tạo trong Luật Thủ đô hiện hành chưa thể hiện được vai trò và tầm vóc của Thủ đô. Thực tế hiện nay, câu chuyện về thiếu trường lớp, giáo viên xảy ra liên tục và năm nào cũng là vấn đề lớn. “Hà Nội cần có tiêu chuẩn mặt bằng chung cho giáo dục của Hà Nội, và đầu tư chế độ đãi ngộ tốt cho đội ngũ cán bộ giáo dục”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

Liên kết là cần thiết

Đề xuất Thành phố được ban hành cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định và Thành phố được ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước, quốc tế trong các cơ sở giáo dục công lập là quy định có tính đột phá là nhìn nhận của TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo ông Trí, cơ chế đặc thù là cần thiết đối với các cơ sở giáo dục công lập trong bối cảnh hiện nay để xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Các cơ sở giáo dục tham gia liên kết sẽ được tiếp cận với các nội dung giáo dục bổ sung thêm từ các chương trình giáo dục tiên tiến và được chuyển tiếp học tại các cơ sở giáo dục nước ngoài một cách thuận lợi khi tham gia chương trình này. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, đề xuất này với cấp trung học phổ thông sẽ hiệu quả nhất.

“Nếu quy định vấn đề liên kết với nước ngoài dạy chương trình tích hợp cho các cơ sở giáo dục công lập, nên quy định “Thành phố được ban hành cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập được phép thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài để triển khai chương trình giáo dục tích hợp khi đủ điều kiện do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định”, ông Trí nói.

Đồng thời, theo ông Trí, Thành phố nên quy định về việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để bảo đảm 100% các học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của thành phố được học 2 buổi/ngày. Trên cơ sở đó, sẽ quy định các nội dung giáo dục mà Thành phố mong muốn trang bị cho học sinh Thủ đô...

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...