Đề xuất giải pháp để có sĩ số không quá 35 học sinh/lớp
Với số lượng học sinh gia tăng chóng mặt mỗi năm, việc giải bài toán sĩ số lớp học không quá 35 học sinh là một khó khăn đối với ngành giáo dục Thủ đô. Nhiều trưởng phòng giáo dục đã lần lượt đề xuất giải pháp.
35 học sinh/lớp chỉ là mục tiêu để phấn đấu
Vấn đề đang được ngành giáo dục quan tâm nhất thời điểm hiện tại là công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới ban hành gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.
Trong công văn này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại điều lệ của trường tiểu học. Tại điều lệ trường tiểu học quy định "Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh…".
Điều này đang đặt ra thách thức lớn với các địa phương, đặc biệt tại TP Hà Nội.
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2024-2025 thành phố tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6.
Nếu so với hai năm trước, khi số học sinh Hà Nội đạt đỉnh về mức tăng ở tất cả các cấp học thì năm học này, số học sinh đều giảm dần, trong đó, học sinh vào lớp 1 năm học 2024-2025 giảm trên 900 học sinh.
Số học sinh hết lớp 5 đã chuyển cấp (159.000) và số mới tuyển (145.000) thì bậc tiểu học Hà Nội giảm 14.000 học sinh. Việc này cũng giúp Hà Nội "giảm nhiệt" về sĩ số ở bậc tiểu học.
Đây có thể xem là một sự nỗ lực lớn trong việc thay đổi sĩ số, tuy nhiên, nếu chiếu theo công văn của Bộ GD&ĐT thì sĩ số 35 học sinh/lớp là điều khá khó để triển khai, đặc biệt tại các điểm nóng như ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy…
Như tại Trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) sĩ số học sinh được công bố công khai ở mức trung bình 50 học sinh/lớp, còn Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cũng có lớp lên tới 48 học sinh/lớp.
Vì vậy, trong nhiều thập niên qua, Hà Nội luôn đặt nhiệm vụ trọng tâm là giảm sĩ số học sinh/lớp học, việc bảo đảm thực hiện sĩ số 35 học sinh/lớp chỉ là mục tiêu để phấn đấu.
Liên quan đến nội dung trên, một số lãnh đạo của các phòng GD&ĐT trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị.
Dành quỹ đất cho ngành giáo dục, xây thêm trường học mới
Chia sẻ với phóng viên, cô Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Tôi rất mong muốn và mơ ước bậc tiểu học có thể đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp, đây cũng là mong mỏi chung của ngành giáo dục. Điều này, giúp đảm bảo chất lượng việc giảng dạy, giảm áp lực cho giáo viên. Vì vậy, tôi cũng rất mong muốn các quận, huyện và thành phố có những chỉ đạo để giúp đỡ ngành giáo dục đạt được điều này”.
Trên địa bàn quận Hà Đông hiện có 98 trường công lập, trong đó 36/98 trường tiểu học (30 trường tiểu học công lập, 6 trường tiểu học tư thục). Sĩ số của học sinh khối lớp 1 hiện là 42 học sinh/lớp.
Do vậy, để hướng tới ước mơ 35 học sinh/lớp, đơn vị có kế hoạch là ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, tiếp tục xây dựng thêm đơn nguyên và các trường mới. Bên cạnh đó, với những nơi còn quỹ đất sẽ xin chuyển đổi mục đích sang phục vụ cho giáo dục. Trong năm 2024, quận Hà Đông có 7 trường xây thêm đơn nguyên và 1 trường được thành lập mới.
Còn tại quận Ba Đình, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận cho biết, để các trường tiểu học đảm bảo quy mô sĩ số 35 học sinh/lớp, thì việc tăng cường tuyển dụng và đào tạo giáo viên, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục như xây dựng thêm trường và nâng cấp cơ sở vật chất hiện có là điều quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sĩ số.
Năm học 2024-2025, trên địa bàn quận Ba Đình có 20 trường tiểu học, trong đó có 17 trường tiểu học công lập và 3 trường ngoài công lập. Tổng số lớp là 110 lớp hiện đã tuyển sinh được 3.310 học sinh vào lớp 1. |
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng nữa là tuyên truyền và nâng cao nhận thức từ cộng đồng, phụ huynh về quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp.
"Có thể nói, để quy định sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp được thực hiện hiệu quả trong tương lai, cần có sự đầu tư đúng mức, kế hoạch triển khai cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việc này đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ các đơn vị giáo dục mà còn từ chính quyền, phụ huynh và toàn thể cộng đồng", ông Lê Đức Thuận chia sẻ.
Là địa phương tập trung nhiều khu chung cư cao tầng, đông dân cư, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, hằng năm, về kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, huyện có đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Cụ thể, trong năm học 2024-2025, có hai trường tiểu học được xây dựng mới là Trường Tiểu học Vạn Phúc và Trường Tiểu học Ngọc Hồi. Từ nay đến năm 2026, địa phương dự kiến đầu tư xây dựng 4 trường tiểu học, 2 trường trung học phổ thông, ngoài ra, còn có 6 trường mầm non. Với các cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt giáo dục mầm non phát triển mạnh với hơn 125 nhóm lớp mầm non tư thục độc lập.
Theo số liệu của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện Hà Nội có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp. |