Đào tạo nghề cho học viên khiếm thị
Ngày 3-7, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù Hà Nội đã tổ chức Lễ bế giảng Khóa học Tẩm quất cơ bản năm 2025, trao chứng chỉ đào tạo nghề cho các học viên khiếm thị.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù Hà Nội Nguyễn Trung Thái trao Giấy khen tặng cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Ảnh: Yến Ly.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù Hà Nội Nguyễn Trung Thái biểu dương nỗ lực của các học viên khiếm thị. Họ đã vượt khó khăn về di chuyển, về tiếp cận các nguồn tài liệu hỗ trợ học tập, về áp dụng các tiến bộ của công nghệ trong việc dạy và học để hoàn thành tốt khóa học, mở ra cơ hội có việc làm ổn định, tạo thu nhập chính đáng và khẳng định giá trị bản thân trong xã hội.
Với những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù Hà Nội tin tưởng các học viên sẽ tự tin bước vào con đường lập nghiệp. Trung tâm cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng học viên, giới thiệu việc làm phù hợp và hỗ trợ người khiếm thị trong quá trình hòa nhập với thị trường lao động. Đồng thời, Trung tâm sẽ tổ chức thêm các khóa đào tạo nâng cao, các khóa học chuyên sâu để không ngừng phát triển tay nghề và mở rộng cơ hội cho bản thân người khiếm thị.
Khai giảng từ ngày 14-3, qua hơn 3 tháng đào tạo, có 11 học viên đã đạt kết quả đáng ghi nhận, được nhận Chứng chỉ đào tạo làm nghề. Trong đó có 3 học viên tốt nghiệp hạng Giỏi, 5 học viên tốt nghiệp hạng Khá.
Trong 4 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù Hà Nội đã mở được hàng chục khóa đào tạo nghề tẩm quất cho hơn 200 học viên. Hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều có tay nghề kỹ thuật, bảo đảm cho việc hành nghề. Sau đào tạo, số lượng học viên có việc làm đạt tỷ lệ trên 90%.
Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Việt trao Chứng chỉ nghề tặng học viên. Ảnh: Yến Ly
Hiện nay, Hội Người mù thành phố Hà Nội có gần 250 cơ sở tẩm quất xoa bóp của người khiếm thị, trong đó một số cơ sở do Hội quản lý, còn lại đa phần các cơ sở do các hội viên chủ động đầu tư. Hầu hết các cơ sở hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động là người khiếm thị với mức lương bình quân hằng tháng đạt từ 5-8 triệu đồng/người; một số cơ sở mức lương đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.