A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội cùng áo dài Huế: Bài 3 - Để di sản “sống” giữa thời đại

Kết quả vận động không ngừng suốt 4 năm qua đã giúp phong trào Áo dài Huế phát triển tích cực. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu và đại diện các đơn vị kinh doanh may mặc áo ngũ thân truyền thống, mức độ lan tỏa hình ảnh áo dài, đặc biệt áo ngũ thân nam, vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân, theo chính những người trong cuộc, như nghệ nhân Phạm Văn Tuyền chia sẻ, bởi nhận thức thời cuộc, thói quen trang phục, tâm lý thế hệ và một phần từ hoạt động của những người tiên phong chưa thực sự hấp dẫn…

Lộ trình “thực chiến” thị trường?

Thực tế phải công nhận qua 4 năm hoạt động, xúc tiến chấn hưng Áo dài Huế, là cho đến nay, phong trào vẫn chưa “thực chiến” ra được với thị trường.

Cụ thể, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thế thao Thừa Thiên Huế, “chủ soái” đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, tiềm lực khai thác thị trường áo ngũ thân truyền thống là rất lớn. Chỉ tính riêng tại Huế, với lượng du khách lai vãng mỗi năm từ 4 – 5 triệu lượt người, chỉ cần 40% tham gia mua sắm may đo Áo dài Huế, đã là một con số lớn so với chính ngành may mặc Huế.

Bài 3 - Để di sản “sống” giữa thời đại - ảnh 1

Hoạt động cổ suý áo dài Huế qua 4 năm vẫn bị giới hạn ở vai trò quảng diễn là chính

Nếu cộng thêm người dân Huế hình thành thói quen may mặc áo dài, chắc chắn tổng mức đầu tư vào trang phục truyền thống ở địa phương này đã là con số không hề nhỏ.

Nếu địa phương tổ chức tốt công tác quảng bá, truyền thông, khơi gợi thị trường và tập hợp được lực lượng may đo chất lượng, lộ trình văn hóa Áo dài Huế rất xán lạn. Đề án Áo dài Huế vì thế không chỉ có giá trị văn hóa cao mà còn tạo ra những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định, giải quyết việc làm thu nhập cho rất nhiều nhóm đối tượng dịch vụ và sản xuất tại chỗ.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhìn chung, bối cảnh quảng bá của chiến lược Áo dài Huế vẫn chưa vượt khỏi những giới hạn “trình diễn” và theo sự kiện nhất định. Đây là một nhược điểm lớn mà chương trình chưa thể khắc phục.

Một số nghệ nhân áo dài tham gia ngay từ đầu thẳng thắn nhìn nhận, khởi động đề cao giá trị Áo dài truyền thống là hợp lý, nhưng nếu “ban tổ chức” chỉ dừng lại ở khâu quảng diễn, không có biện pháp bứt phá, đưa sản phẩm áo dài ra thị trường để thuyết phục công chúng, thì hiệu quả hoạt động vẫn sẽ bị giới hạn.

Một nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ, những cá nhân điển hình vận động, như ông Phan Thanh Hải, trực tiếp mặc và giới thiệu áo dài với công chúng, là quyết tâm nhiệt thành rất lớn. Nhưng nếu cộng đồng chỉ thấy hình ảnh cá nhân ông, thì ý nghĩa chương trình đề án Áo dài Huế dễ bị hiểu nhầm thành cá nhân hóa, chuyển biến tiêu cực trong tâm lý xã hội.

Bài 3 - Để di sản “sống” giữa thời đại - ảnh 2

Huế cần mạnh dạn phát triển công nghiệp áo dài ra thị trường

Thay vào đó, ông Phan Thanh Hải và các cộng sự nên làm sao cổ súy, kết nối nhiều người mặc áo dài hơn, tập trung quảng bá tốt cho các thương hiệu, cơ sở may đo, may mặc, tạo dấu ấn tốt với thị trường tiêu dùng. “Ai cũng hiểu nếu không có cá nhân đại diện thì phong trào không có tính điển hình, nhưng nếu cá nhân đó chỉ xuất hiện trên sân khấu, có mặt một cách trang trọng ở hội này lễ kia, thì phong trào vẫn mãi là hình ảnh quảng cáo, biểu diễn mà thôi”, nhà nghiên cứu nhận xét.

Tầm nhìn di sản, khát vọng tài sản

Phát biểu tại lễ đón nhận văn bằng Di sản văn hóa Áo dài Huế, ông Phan Thanh Hải khẳng định, đây là di sản của cộng đồng, phải do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, cùng phát huy các giá trị bền vững.

Điều này đồng nghĩa với định hướng “biến di sản thành tài sản”, hướng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa địa phương. Từ chiếc áo dài, cùng những loại phụ kiện mỹ thuật đính kèm và các hoạt động kinh tế xã hội liên quan như hàng lưu niệm, du lịch, mỹ thuật, điện ảnh hóa…, ngành Văn hóa Huế đã xác định một tầm nhìn phát huy di sản rất lớn, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc Huế, vừa cải thiện thu nhập cho người dân, đầu tư của doanh nghiệp.

Chỉ khi làm được điều này, đề án Áo dài Huế mới thực sự đạt giá trị hiện thực hóa, để đưa Di sản Áo dài thành thực thể nhu cầu tiêu dùng của xã hội, phục vụ đời sống và là “tài sản” để xã hội sử dụng, ngày một phồn vinh thịnh vượng hơn.

Bài 3 - Để di sản “sống” giữa thời đại - ảnh 3

Để lan toả Áo dài Huế cần xây dựng chiến lược phát triển ác sản phẩm mẫu áo dài cách tân phù hợp với thế hệ trẻ

Theo nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, những đầu tư khởi động phong trào Áo dài đã thu được những kết quả tốt đẹp, được xã hội ghi nhận. Bước tiếp theo, trong thời gian tới, phải là khát vọng “tài sản” được triển khai, những cơ sở may đo, đội ngũ những nghệ nhân tham gia phải nhìn thấy những thành phẩm tinh hoa trí tuệ và công sức của mình được thị trường đón nhận, tạo nên lợi nhuận, tiếp tục quay lại phục vụ hành trình chấn hưng di sản Áo dài.

Tiến sĩ Thái Kim Lan, người tích cực kêu gọi, vận động phụ nữ Huế trực tiếp quan tâm đến câu chuyện Áo dài, cũng cho rằng, hành trình vận động sau 4 năm đã đến lúc phải có những bước ngoặt, mạnh dạn đưa ra những yêu cầu, tiêu chí phát triển, hiện thực hóa ra thị trường. Đó là những kế hoạch sản xuất may đo chuẩn mực, tinh tế hơn; hoạt động tổ chức may công nghiệp với các chuẩn kích cỡ Áo dài cách tân, hướng đến đông đảo người dùng hơn.

Đặc biệt với giới trẻ tại Huế, phải thấy rằng những thông điệp đầy tự hào về mảnh đất Cố đô nặng tính văn hóa đang khuấy động tâm lý họ một cách tích cực. Với tiềm lực văn hóa địa phương sẽ còn vận động mạnh hơn sau khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, định hướng cơ hội với Áo dài Huế chắc chắn càng thu được nhiều tín hiệu ủng hộ từ đội ngũ này.

“Vậy nên, phải biến khát vọng thành thực tiễn, phải thể hiện đúng tầm nhìn di sản song hành với giá trị tài sản xã hội ngày một nhiều hơn, thì các giá trị văn hóa truyền thống, đáng được bảo lưu với dòng chảy tiến bộ của cuộc sống mới được quan tâm thỏa đáng”. Tiến sĩ Thái Kim Lan nhấn mạnh. Theo bà Lan, di sản cần “sống” giữa thời đại bằng cách này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...