A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chelsea hậu kỷ nguyên Roman Abramovich sẽ ra sao?

Kỷ nguyên Abramovich gần như chắc chắn sẽ khép lại trong nay mai. Và đây là thời điểm chúng ta dự đoán về hình hài của Chelsea trong tương lai.

Sự khác biệt của Roman Abramovich

Roman Abramovich là một ông chủ yêu bóng đá và dĩ nhiên cũng rất yêu đội bóng của mình. Tình yêu dành cho Chelsea nói riêng và bóng đá nói chung giúp Abramovich trở nên khác biệt và nổi bật trong kỷ nguyên bóng đá Anh nở rộ trào lưu "bán thân" cho những ông chủ nước ngoài.

Cứ nhìn những cuộc tranh đoạt quyền lợi gay gắt ở Arsenal, những cuộc biểu tình chống đối giới chủ ở Man United hay Liverpool mới thấy kỷ nguyên của Roman Abramovich bình yên và chuẩn chỉnh tới nhường nào.

Chelsea hậu kỷ nguyên Roman Abramovich sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Rất nhiều tỷ phú lắm tiền nhiều của chỉ coi đội bóng họ sở hữu là một "chú bò sữa", hàng ngày cho ăn chút cỏ, đến ngưỡng là vắt sữa. Sự lệch nhau về tư tưởng tạo nên xung đột.

Vậy nên khi nhìn vào Chelsea trong kỷ nguyên Roman Abramovich, rất nhiều đội bóng rút ra được bài học xương máu: Nếu buộc phải bán câu lạc bộ cho một tỷ phú nào đó, hãy chọn người yêu bóng đá.

Cũng chính vì vậy khi Roman Abramovich quyết định bán Chelsea, vô số fan The Blues bắt đầu lo lắng. Làm sao để tìm ra một Abramovich thứ 2 đây?

Tuy nhiên, liệu công thức trên có đúng tuyệt đối? Ông chủ đội bóng có nhất thiết phải yêu bóng đá, yêu câu lạc bộ thì đội bóng đó mới phát triển?

Cũng không hẳn. Ông chủ của Liverpool, John W. Henry chính là một ví dụ tiêu biểu. Cuộc đời John Henry cho đến ngày mua lại Liverpool hầu như chưa biết nhiều về bóng đá. Ông là chủ của một số đội bóng chày, bóng rổ, thậm chí đua xe. Tiền mà John Henry thu được chủ yếu đến từ thị trường Mỹ. Với kẻ ngoại đạo như Henry, một đội bóng ở Anh là khái niệm xa lạ.

Tuy nhiên, thành công hiện tại của Liverpool cho thấy quyết định "bán thân" cho John W. Henry của The Kop là hoàn toàn chính xác. Trong kỷ nguyên John Henry, Liverpool vươn tầm nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào.

Sở hữu đội bóng có nhất thiết phải yêu bóng đá?

Chúng ta sẽ thấy John Henry không "máu" bóng đá như Roman Abramovich. Ông hiếm khi dự khán một trận đấu bình thường của Liverpool, và ngay cả khi Henry có mặt trên sân, cánh đạo diễn hình cũng rất khó bắt được những cảm xúc của ông. Màn dự khán của John Henry diễn ra như một chuyến đi công tác vậy.

Vậy rốt cuộc thế nào là chuẩn mực của một ông chủ?

Thật ra rất đơn giản: Chỉ cần có tâm và có tầm là đủ. Cái tâm của Roman Abramovich là đầu tư rất nhiều tiền cho Chelsea, cả đội hình 1 lẫn công tác đào tạo trẻ. Còn cái tâm của John W. Henry là quan tâm tới cảm xúc của người hâm mộ.

Chuyện kể rằng vào ngày John W. Henry lần đầu tiên ra mắt Liverpool trên tư cách ông chủ, ông bất ngờ trích được câu nói huyền thoại của Bill Shankly: "Nếu đứng số một, bạn là nhà vô địch. Nếu đứng thứ 2, bạn chẳng có gì cả".

Chelsea hậu kỷ nguyên Roman Abramovich sẽ ra sao? - Ảnh 2.

John W. Henry (phải) đã đưa Liverpool quay lại kỷ nguyên chiến thắng.

Điều này chứng tỏ John W. Henry đã nghiên cứu khá kỹ về Liverpool. Thay vì đưa ra những tuyên ngôn đao to búa lớn, ông đơn giản là trích lại một câu nói đã từng khiến fan The Kop sôi sục là đủ tạo ra hiệu ứng tâm lý tốt. Tất nhiên, đây chỉ là vấn đề thủ thuật. Thành công sau đó của Liverpool mới là điều giúp John Henry trở thành đấng cứu thế đối với The Kop.

Qua câu chuyện của Liverpool có lẽ fan Chelsea cũng bớt lo lắng phần nào về ông chủ tương lai. Tiêu chí để chọn đầu tàu mới không nhất thiết phải là một tỷ phú mê bóng đá, mà chỉ cần là một người có tâm, có trách nhiệm là đủ.

Chelsea giờ đây cũng đã học được thói quen sống mà không cần sự chu cấp quá lớn từ ông chủ. Kể từ sau sự kiện Roman Abramovich bị nước Anh từ chối gia hạn visa, khiến ông không thể nhập cảnh Anh (tháng 6/2018), Chelsea cũng dần học được cách sống tự lập.

Những mùa chuyển nhượng gần đây, The Blues cũng đã mua sắm tiết kiệm và chắt lọc hơn rất nhiều. Cho dù vẫn còn những bản hợp đồng đáng thất vọng như Romelu Lukaku, Saul hay Timo Werner nhưng bù lại, những thương vụ như Hakim Ziyech, Edouard Mendy, Kai Havertz lại thành công rực rỡ. Đó là còn chưa kể tới hiệu quả của những sản phẩm "cây nhà lá vườn" như Mason Mount hay Reece James.

Vậy nên, cho dù chia tay Roman Abramovich là chuyện không fan hay cầu thủ Chelsea nào muốn, nhưng nhìn về khía cạnh tích cực, rõ ràng The Blues đã có sự chuẩn bị cho cuộc sống hậu kỷ nguyên Abramovich.

Chelsea hậu kỷ nguyên Roman Abramovich sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Những gì Roman Abramovich để lại là nền tảng để Chelsea có thể "sống khỏe" trong tương lai.

Cuối cùng, xin mang tới cho fan Chelsea một niềm hy vọng: Một trong những người mua tiềm năng mà Roman Abramovich đã chủ động liên hệ để bán lại Chelsea: Tỷ phú Thụy Sĩ Hansjorg Wyss là một ông chủ cực kỳ có tâm.

Hansjorg Wyss kinh doanh về trang thiết bị y tế, đã từng quyên góp tới 2 tỉ USD cho rất nhiều hoạt động bảo vệ, gìn giữ môi trường. Nếu Chelsea thuộc về Hansjorg Wyss, họ hoàn toàn có thể nghĩ về một tương lai tươi sáng.


Tác giả: Lâm Phong
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết