A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chấm dứt 'loạn' giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa các bệnh viện công được thu là 500.000 đồng.

Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8.

Thống nhất giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Đây cũng là lần đầu tiên một văn bản quy phạm pháp luật riêng về khám chữa bệnh theo yêu cầu được Bộ Y tế ban hành với 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy; hạng 1 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Từ Dũ (TP HCM)... tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác, giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.

Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Nhiều năm qua, các cơ sở y tế công lập đã thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức giá được phê duyệt bởi Bộ Y tế hoặc UBND các địa phương. Tại các bệnh viện lớn, mức giá khám bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nhiều bậc chênh lệch rất khác nhau, có nơi thu 150.000 đồng nhưng có nơi thu từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng cho một lần khám là giáo sư, tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa. Theo khung giá này, mức giá tối thiểu của các dịch vụ kỹ thuật trong danh mục khám chữa bệnh theo yêu cầu tương đương hoặc cao hơn vài trăm ngàn so với khung giá khám chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành năm 2019.

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thông tin để cho ra đời thông tư này, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát tại gần 100 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đến tuyến trung ương có cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Từ đó, ban soạn thảo đã có những bằng chứng thực tiễn trong xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu phản ánh đúng thực tiễn của hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay. Ông Dương Đức Thiện cũng cho biết trước đây, các cơ sở khám chữa bệnh đang triển khai cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, việc Bộ Y tế ban hành thông tư này đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế tham chiếu xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với điều kiện thực tế của chính cơ sở và đúng theo các quy định của pháp luật.

Chấm dứt loạn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu - Ảnh 1.

Người dân khám chữa bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG

Tăng cường nhân lực, máy móc

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu áp dụng giá khám chữa bệnh theo khung giá mới với một số dịch vụ kỹ thuật, trong đó có giá khám bệnh. Thông tư 13 rất mở vì không quy định, cố định giá mà có từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh mà xây dựng giá phù hợp.

Chủ trương của Bệnh viện Bạch Mai không áp dụng đồng loạt giá cao, mà theo các mức để người dân có quyền lựa chọn. "Cùng với làm tốt khám chữa bệnh thông thường, khi các bệnh viện công thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt, một bộ phận người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước" - PGS Đào Xuân Cơ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đào Hùng Hạnh, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, nói thêm từ ngày 15-8, bệnh viện chính thức áp dụng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu mới với 3 mức giá để người dân lựa chọn.

Cụ thể, giá khám với giáo sư, phó giáo sư là 400.000 đồng/lượt; giá khám với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng/lượt và giá khám với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 300.000 đồng/lượt. Sau khi điều chỉnh giá, bệnh viện cũng đã bổ sung nhân lực, máy móc chụp chiếu để bảo đảm cho người bệnh lựa chọn dịch vụ theo yêu cầu được khám chữa bệnh nhanh, thuận lợi, hiệu quả cao nhất và hoàn tất việc khám bệnh trong ngày.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện thực hiện thời gian qua đều dưới mức tối đa theo quy định nên đến thời điểm này, bệnh viện chưa có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Hiện bệnh viện vẫn áp dụng giá khám từ 100.000 - 500.000 đồng/lượt, với thời gian trong và ngoài giờ hành chính.

Lãnh đạo một số bệnh viện cũng khẳng định Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo cơ hội cho bệnh viện có nguồn lực tài chính, điều này giúp bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Cùng với đó sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường.

Đồng quan điểm, ThS-BS chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), khẳng định quy định về khung giá hiện hành rất cụ thể để các đơn vị có cơ sở cơ cấu giá và triển khai thực hiện. Người bệnh không bị ảnh hưởng, có thêm cơ hội để lựa chọn, được hưởng những chất lượng dịch vụ tùy theo nhu cầu. Đây là cơ sở để các bệnh viện xây dựng cơ cấu giá cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn của đơn vị mình. Đối với Bệnh viện Nhân Dân 115, quy định mới này rất thuận lợi.

Ngành y tế Việt Nam nói chung hiện đáp ứng được các chuyên môn ngang tầm với khu vực. Các đơn vị có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, chuyên môn để đáp ứng người bệnh. Quy định khung giá mới này giúp người bệnh có nhiều sự lựa chọn khám chữa bệnh tại các đơn vị trong nước mà không phải đi nước ngoài. Quy định này giờ là mới song sau nhiều năm sẽ thấy có tác động rất lớn, rất rõ. Lượng người bệnh đi nước ngoài sẽ được giảm rõ. Hiện nay, Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân khám theo yêu cầu. Giá giường cũng có nhiều loại.

Với giá giường theo quy định mới cao nhất là 4 triệu đồng/người/phòng, các bệnh viện tùy năng lực sẽ nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, xây dựng các dịch vụ đi kèm để đáp ứng. 

Đà Nẵng: Nhiều bệnh viện áp khung giá cũ

BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, khẳng định bệnh viện chưa xây dựng được khung giá mới do còn nhiều vướng mắc và phức tạp nên vẫn đang áp dụng khung giá cũ. Việc xây dựng khung giá tùy thuộc vào mỗi đơn vị. Ngoài ra, việc áp dụng khung giá mới cho dịch vụ theo yêu cầu chỉ là một phần trong hoạt động khám chữa bệnh và giá này không nằm trong khung của BHYT.

Trong khi đó, BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi TP Đà Nẵng, cho biết hiện các khoa phòng của đơn vị đang xây dựng giá.

B.Vân

Bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân BHYT

Theo Thông tư 13, các bệnh viện chỉ được phép cho các chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi dành 30% thời lượng làm việc để khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn về cơ bản phải phục vụ khám chữa bệnh cho tất cả người dân. Cùng với đó, tỉ lệ giường dịch vụ cũng chỉ được phép dưới 20% để tránh thiệt cho người bệnh tham gia BHYT.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ bệnh nhân lựa chọn khám theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Bảng giá dịch vụ chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.


Tác giả: Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...