A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tư pháp nghiên cứu việc 'tội phạm tham nhũng nộp tiền để giảm án'

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng tội phạm ăn năn hối cải mà giao nộp tài sản tham nhũng, thì nên được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/7, ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó tổng trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) đã nêu quan điểm đối với đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc cho tội phạm tham nhũng nộp tiền để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đề xuất trên được ông Lê Minh Trí đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 sáng 30/6.

Theo ông Lợi, quan điểm trên của Viện trưởng VKSND Tối cao không mới, mà đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10. Cụ thể, nghị quyết nêu cần chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội, nhưng đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả kinh tế.

Toi pham tham nhung anh 1

Phó tổng trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi. Ảnh: Hoàng Lam.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh nhiều quốc gia cũng đã áp dụng phương thức trên khi xử lý các vụ án về tham nhũng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã giao cho các đơn vị chuyên môn học tập kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam một cách khoa học nhất.

"Tội phạm ăn năn hối cải mà giao nộp tài sản tham nhũng, thì nên được xem là tình tiết giảm nhẹ", ông Lợi nói và nhấn mạnh Tổng cục Thi hành án dân sự đang nghiên cứu việc có nên để tội phạm nộp tiền khắc phục thay cho xử lý hình sự hay không.

Ngoài những nội dung trên, lãnh đạo tổng cục cho hay trong 9 tháng đầu năm (từ 1/10/2021 đến 30/6/2022), tổng số tiền phải thi hành, thu hồi trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế là hơn 129.619 tỷ đồng. Số đã thi hành xong là hơn 49.838 tỷ đồng, còn phải thi hành trên 79.781 tỷ đồng.

"Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn gặp rất nhiều khó khăn", ông Lợi bày tỏ và nói khó khăn lớn nhất là đối với những bản án đã tuyên thu hồi, thi hành số tiền rất lớn, nhưng tài sản đảm bảo thực tế thi hành án thì lại rất ít.

Vị này dẫn chứng có cá nhân có tài sản đảm bảo thi hành, nhưng tính pháp lý của tài sản đó chưa được làm rõ. Cũng có trường hợp bản án tuyên đưa ra một tài sản buộc thi hành, nhưng thông tin về tài sản đó không rõ.

Để đảm bảo sự chặt chẽ khi thi hành án dân sự trong các vụ án về tham nhũng, Phó tổng trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định đã yêu cầu chấp hành viên các đơn vị thi hành án làm rõ tính chất pháp lý của tài sản, thủ tục kê biên xử lý phải thận trọng để không có sai sót.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...