A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Dương gỡ khó cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn mà các trường đề xuất; việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh phải giải quyết ngay. Việc đầu tư cơ sở vật chất là cần thiết, phải làm trong thời gian tới…

 Mức lương trung bình của người học nghề sau khi tốt nghiệp trong khoảng từ 5 - 9 triệu đồng/tháng

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh  Bình Dương có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 7 trường cao đẳng, 1 phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Các nghề thu hút đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chủ yếu tập trung vào các nhóm, như: Điện công nghiệp, điện tử, công nghệ ô tô, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, kế toán, y sĩ, dược sĩ...

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hàng năm, sở tổ chức các hội thi, hội giảng nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên trong các cơ sở GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là sự thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn tuyển dụng, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Theo đó, Sở đã đề xuất, tham mưu xây dựng kinh phí ngân sách Nhà nước hàng năm để thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, sư phạm nghề, đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho cán bộ, nhà giáo GDNN của tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN công lập để đạt trường chất lượng cao, trường có ngành nghề trọng điểm để nâng cao chất lượng đào tạo.

Một số cơ sở GDNN đã hợp tác và liên kết với các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tốt nghiệp trung cấp có cơ hội được học tập và rèn luyện ở bậc học cao hơn. “Các trường cao đẳng, trung cấp công lập trực thuộc tỉnh đều tập trung ở thành phố, thị xã, nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là điều kiện để các trường đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp đồng hành giải quyết bài toán đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng GDNN và giải quyết việc làm”, ông Tuyên cho biết.

Bên cạnh đó, các trường được tự chủ trong hoạt động tuyển sinh, được quyền xây dựng quy chế tuyển sinh với hình thức, chỉ tiêu cũng như số đợt tuyển sinh trong năm nên đã chủ động triển khai công tác tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Một số trường đã thực hiện nhiều chính sách riêng cho người học như miễn giảm tiền ở ký túc xá, trao học bổng, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và bảo đảm đầu ra… để thu hút người học.  Được  biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên, người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp của tỉnh là khoảng 90%. Một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật đạt tỷ lệ gần 100%. Nhiều doanh nghiệp đồng ý tuyển dụng ngay khi học sinh, sinh viên còn đang đi thực tập. Mức lương trung bình của người học nghề sau khi tốt nghiệp trong khoảng từ 5 - 9 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, theo đánh giá chung, các cơ sở đào tạo công lập cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ở địa phương. Tuy nhiên, công tác đào tạo ở các trường, cơ sở GDNN công lập còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, cụ thể là những vấn liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính của các trường trong thời gian tới, thiếu hụt giáo viên dạy nghề theo quy định hiện hành, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy, hạn chế trong tuyển sinh đầu vào...cơ chế tuyển sinh vướng các thủ tục, quy định hiện hành...

Trước những khó khăn, kiến nghị của các trường, lãnh đạo UBND tỉnh đã ghi nhận và xem xét một số vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo ở các lĩnh vực, ngành cụ thể. Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn mà các trường đề xuất; việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh phải giải quyết ngay. Việc đầu tư cơ sở vật chất là cần thiết, phải làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, các trường phải có đề án cụ thể để trình các cấp. Các sở, ngành liên quan phải bám sát, phối hợp với các trường trong công tác định hướng phát triển, tuyển sinh, phải có trách nhiệm với các trường chứ không chỉ ngồi chờ các trường đề xuất. Tới đây, tỉnh sẽ có các buổi làm việc cụ thể với những đề xuất từng trường, giải quyết từng yêu cầu các trường đặt ra./.

Bài và ảnh: Quang Tám


Tác giả: Mai Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết