A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị ho kéo dài hơn 3 tháng dù đã khỏi Covid-19

Ho liên tục khiến Lan Anh ngại ngùng khi đến nơi công cộng. Cô luôn phải giải thích rằng bản thân đã âm tính và khỏi bệnh.

"Em ho hậu Covid-19 thôi chứ em âm tính" - Câu nói mà Lan Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) luôn phải giải thích với những người xung quanh nếu cô lên cơn ho bất chợt.

Kể từ khi khỏi Covid-19, Lan Anh bắt đầu những tràng ho lúc dồn dập, lúc ngắt quãng khiến sinh hoạt đôi khi bị xáo trộn.

Gặp ai cũng giải thích

Lan Anh đã đi khám hậu Covid-19 và được chỉ định chụp X-quang phổi, khám tổng quát. Tuy nhiên, các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh đều không có dấu hiệu bất thường.

Lan Anh mắc Covid-19 giữa tháng 11/2021 và tự điều trị khỏi tại nhà. Giai đoạn dương tính, cô không có triệu chứng đáng kể, chỉ sốt nhẹ, ho như cảm. Tuy nhiên, vài tuần sau khi khỏi bệnh, tần suất ho của Lan Anh ngày một tăng dần.

"Tôi uống nhiều loại thuốc trị ho, cả thuốc tây, siro thảo dược và thuốc nam nhưng vẫn không khỏi. Tôi ho gần như bất kể thời điểm nào, nhưng nhiều nhất lúc đêm khuya khiến tôi không ngủ được. Sợ con tỉnh giấc, tôi phải lấy chăn ra phòng khách ngủ", Lan Anh kể.

Ngoài thời điểm giữa đêm, cơn ho đến nhiều hơn khi cô gặp gió hoặc đến nơi có nhiệt độ lạnh. Giữa thời điểm dịch Covid-19, ho nhiều khiến nữ nhân viên văn phòng e ngại mỗi khi đến nơi đông người.

"Tôi phải giải thích để mọi người yên tâm rằng ho hậu Covid-19, bản thân đã khỏi bệnh và âm tính từ lâu chứ không phải là F0", Lan Anh nói.

F0 khoi benh ho keo dai anh 1

Ông Phạm Hữu Lộc đến khám hậu Covid-19 do di chứng mệt mỏi, ho nhiều. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Phạm Hữu Lộc (80 tuổi, quận 8) cũng đến phòng khám di chứng hậu Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vì tình trạng ho nhiều, thỉnh thoảng ho có đờm.

"Tôi đã khỏi Covid-19 hơn 2 tháng, tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi, ho vẫn kéo dài. Tôi bị ho nhiều nhất mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gặp gió, kể cả bật quạt gió", ông Lộc kể.

Ông Lộc được bác sĩ chỉ định chụp X-quang để kiểm tra tình trạng phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Nguyên nhân

Chia sẻ với Zing, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), ông đã thăm khám và tư vấn cho nhiều trường hợp bị ho nhiều sau khi khỏi Covid-19.

Theo TS Minh, sau khi F0 vượt qua giai đoạn nhiễm cấp, có khoảng 60-70% hầu như khỏe mạnh hoàn toàn, không gặp triệu chứng đáng kể. Một số ít khác có thể gặp những triệu chứng hậu Covid-19. Những di chứng này xuất hiện từ khoảng một đến 2 tháng sau khi khỏi bệnh.

Ho dai dẳng là một trong 16 nhóm triệu chứng điển hình của hậu Covid-19. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là giai đoạn cấp, người bệnh điều trị chưa tích cực hoặc cũng có thể là cơ địa của người bệnh. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng như ăn uống không hợp lý, uống ít nước, ít tập thở và thể thao.

F0 khoi benh ho keo dai anh 2

Bệnh nhân được kiểm tra chức năng phổi tại phòng khám hậu Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

"Một số trường hợp ho hậu Covid-19 dễ điều trị nhưng cũng có trường hợp rất khó chữa. Do đó, tốt nhất là người bệnh đến cơ sở y tế thăm khám để xác định nguyên nhân gây ho, xem có xơ phổi, viêm phế quản mạn tính hay không", TS Minh khuyến cáo.

Để điều trị dứt điểm cơn ho hậu Covid-19, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh điều này phải được thực hiện trong lúc nhiễm bệnh.

Theo TS Minh, để không gặp di chứng thì tốt nhất chúng ta là can thiệp, điều trị tích cực các triệu chứng từ giai đoạn cấp, tức những ngày dương tính đầu tiên. Người dân uống đủ nước, dùng thuốc đủ liều, hít sâu thở đều khoảng 10-15 phút, lặp lại 2 lần mỗi ngày.

"Chúng ta không nên nặng nề quá về các xét nghiệm để kiểm tra di chứng hậu Covid-19 như X-quang, CT phổi, thử máu... không lạm dụng hay lệ thuộc quá. Tốt nhất là nên đến bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng, uống thuốc và tập luyện, dần dần triệu chứng ho sẽ thuyên giảm", TS Minh khuyên.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, ho sau mắc Covid-19 thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh trào ngược hoặc suyễn.

Cơn ho có thể xuất hiện khi cười, nói, hít không khí lạnh, hít phải mùi lạ, thay đổi tư thế hoặc thức giấc đêm khuya. Đa số người bệnh đều ho khan, ít khi ho có đàm.

Ngoài việc khi đến thăm khám tại cơ sở y tế, bác sĩ Khanh gợi ý một số biện pháp để giảm cơn ho hậu Covid-19 như:

- Tập thở bụng: Hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp, mỗi đợt 3-4 nhịp.

- Nuốt và ngậm miệng.

- Uống từng ngụm nước ấm hoặc ngậm kẹo, dùng thuốc ho.

- Uống đủ nước, tránh để khô họng.


Tác giả: Bích Huệ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết