Thu phí sử dụng vỉa hè: Cần thiết, hợp lý
Đa số người dân hy vọng sau khi sắp xếp vỉa hè, không chỉ mỹ quan đô thị được lập lại mà những người mưu sinh nhỏ lẻ bên vỉa hè cũng được ổn định.
UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP HCM về Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM.
Quản lý tốt hơn, công bằng, minh bạch
Theo UBND thành phố, mục đích thu phí nhằm hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, có cơ sở khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đô thị TP HCM, giúp bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố.
Tờ trình nêu rõ các nhóm cá nhân, tổ chức được phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè với các mức phí cụ thể tùy theo từng khu vực. Việc thu phí dự kiến áp dụng từ 0 giờ ngày 1-1-2024.
Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: ANH VŨ
Theo Đề án có 6 nhóm tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời vỉa hè có thu phí gồm: 1 - Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; 2 - Điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; 3 - Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ công trình; 4 - Điểm bố trí trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữa xe; 5 - Điểm tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); 6 - Điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của UBND thành phố và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước).
Ngoài ra, 3 trường hợp sử dụng tạm lòng đường có thu phí, gồm: 1 - Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ hoạt động văn hóa, điểm trông giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa của UBND thành phố nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng); 2 - Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; 3 - Bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.
Người dân đồng tình
Chiều nào, anh Lê Hồng Hải (43 tuổi, đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCM) cũng kê một số bàn ghế ở vỉa hè để phục vụ khách đến quán cà phê cóc của anh. Vỉa hè trước cửa nhà rộng 5 m từ nhiều năm nay là nơi "kiếm cơm" nuôi sống cả gia đình.
Anh Hải kể 10 năm trước, đường Phạm Văn Đồng được mở rộng lên 12 làn xe, vỉa hè thông thoáng, bà con tranh thủ mở hàng quán buôn bán nhưng do lấn chiếm vỉa hè nên vài ba bữa lại bị trật tự đô thị phường xử phạt. "Nếu vỉa hè đường Phạm Văn Đồng tổ chức thu phí, tôi sẵn sàng đóng phí để an tâm buôn bán" - anh Hải nói.
Khi biết giá dự kiến sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trước nhà để kinh doanh nằm ở khu vực 3 (từ 20.000 - 60.000/đồng/m2/tháng), anh Hải cho rằng đây là mức hợp lý và là nguồn tiền thu để chỉnh trang lại vỉa hè, rất rõ ràng, minh bạch.
Cũng kinh doanh quán cà phê, chị Nguyễn Khánh Linh (đường Hoàng Diệu 2, TP Thủ Đức) bày tỏ sự đồng tình việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. "Nhiều lần tôi tính đến chuyện mở rộng kinh doanh cũng như tìm chỗ để trông giữ xe cho khách nhưng chưa được phép và giá thuê quá đắt đỏ. Điều tôi băn khoăn là chưa biết thủ tục thuê thế nào và liệu có được thuê luôn một khu vực rộng lớn để tiện cho việc kinh doanh không?" - chị Linh thắc mắc.
Buôn bán hàng rong ở đường Hoàng Diệu (quận 4), bà Lê Thị Khánh (quê Bình Định) không nhớ đã bao nhiêu lần bà phải "quẳng gánh" để chạy khi bị trật tự đô thị đòi lập biên bản. "Cả gia đình đều trông chờ vào gánh hàng rong này nên giờ có cấm thì cũng phải bán. Nếu mỗi ngày không kiếm được 200.000 đồng thì tiền đâu mua thuốc cho chồng tôi đang bị bệnh phải ở nhà. Vì vậy, tôi đồng ý đóng theo mức phí được thành phố đưa ra, nếu thu phí mà kiếm ít tiền hơn tôi cũng chấp nhận, quan trọng là được yên tâm buôn bán" - bà Khánh nói.
Ở các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng (quận 1), Phan Xích Long, Trường Sa (quận Phú Nhuận), Cộng Hòa, Tân Sơn (quận Tân Bình)..., nhiều người dân buôn bán có lấn chiếm một phần vỉa hè khi được hỏi cũng đồng tình việc đóng phí.
Cần tính toán kỹ, phân chia hợp lý
Trong khi đó, dù có mặt tiền rộng khoảng 4 m trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), bà Mai Phương Thảo (63 tuổi) lại không có nhu cầu kinh doanh. Nhắc đến đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, bà Thảo thắc mắc không biết TP HCM tính toán chuyện phân chia vỉa hè thế nào để không ảnh hưởng đến không gian sống của những hộ dân như bà. "Tôi mong thành phố tính toán kỹ, phân chia hợp lý, quản lý chặt chẽ để tránh làm xấu bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại" - bà Thảo nói.
Trên đường Quang Trung (phường Đông Hưng Thuận, quận 12), nhiều đoạn vỉa hè rộng trên 5 m được người dân tự thỏa thuận cho người bán hàng rong (xe nước cam, thuốc lá, ăn uống nhỏ) thuê với giá khoảng 2 triệu đồng/tháng.
"Sắp tới, nếu vỉa hè đoạn này được nhà nước cho thuê, chúng tôi sẵn sàng đóng phí nhưng không biết những người có nhà mặt tiền có vui vẻ không, vì họ không được hưởng khoản phí này?" - bà Chi (bán nước cam ở khu vực này) băn khoăn.
Mức phí chia theo 5 khu vực
Khu vực 1: quận 1, quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu 50.000 đồng/m2/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m2/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán... (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe). Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để hoạt động trông giữ xe, mức phí là 350.000 đồng/m2/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.
Khu vực 2: TP Thủ Đức (khu vực quận 2 cũ), quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, mức phí 30.000 đồng/m2/tháng với các tuyến trung tâm và 20.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại khi sử dụng cho hoạt động kinh doanh, mua bán... Hoạt động giữ xe, mức phí là 100.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến trung tâm và 70.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.
Khu vực 3: TP Thủ Đức (khu vực quận 9, quận Thủ Đức cũ), quận 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp đồng giá 20.000 đồng/m2/tháng khi sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Nếu sử dụng để giữ xe có thu phí đồng giá 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 4: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi mức thu như khu vực 3.
Khu vực 5: huyện Cần Giờ mức phí 20.000 đồng/m2/tháng đối với vỉa hè dùng kinh doanh, buôn bán... và 50.000 đồng/m2/tháng khi sử dụng vỉa hè để giữ xe có thu phí.