A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn

Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ sống còn và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ này.

Báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội về kết quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong quý I/2022 cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung tuyên truyền, phát triển được 6.895 đoàn viên và thành lập được 106 CĐCS.

Tập trung nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn
LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý I/2022 để đánh giá về kết quả và chia sẻ các giải pháp trong việc thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và công tác Thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Ảnh: Mai Quý

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập được 102 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, kết nạp 6.527 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022” và Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng thực hiện công tác TƯLĐTT, chất lượng các bản TƯLĐTT được nâng cao. Nhiều bản TƯLĐTT có các điều khoản thỏa thuận có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5-7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc là 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; người lao động được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 - 30.000 đồng, ngoài ra khi người lao động làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ 1 bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng tháng lương thứ 13; người lao động được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên…

Để triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phố biến Luật Lao động, Luật Công đoàn, đặc biệt là các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết TƯLĐTT tới cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT để trực tiếp hỗ trợ CĐCS và doanh nghiệp trong việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Công đoàn trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở…

Trong quý I/2022, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng tiếp tục tập trung thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021-2022”. Nhiều đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở tiêu biểu, đạt kết quả cao trong thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT như: Công đoàn Viên chức, Công đoàn ngành Xây dựng; LĐLĐ các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phúc Thọ…

Tại Hội nghị giao ban Quý I/2022 về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chia sẻ về giải pháp triển khai hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Theo đó, để triển khai hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, các đơn vị đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như cơ quan Thuế, bảo hiểm xã hội… đặc biệt là phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường để rà soát dư địa, nắm chắc nguồn lao động, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, từ đó tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thành lập CĐCS.

Ngoài ra, xác định phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, ngay từ đầu năm, các đơn vị cũng chủ động xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng thành viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cán bộ Công đoàn chuyên trách đối với việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Chia sẻ về giải pháp để triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng cho biết, bên cạnh việc giao chỉ tiêu cho từng cán bộ gắn với việc đánh giá hiệu quả công việc theo từng tháng, từng quý thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận cũng trực tiếp “xuất quân” để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Trong đó, tập trung vào những nội dung chính để thương lượng, ký kết như: Tăng lương; giảm giờ làm để giúp người lao động tái tạo sức lao động từ đó đảm bảo sức khỏe để lao động sản xuất; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động… Nhờ đó, đã có nhiều bản TƯLĐTT loại A, B được ký kết.

Phát biểu kết luận Hội nghị giao ban Quý I/2022 về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá, trong Quý I/2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có nhiều giải pháp, cách thức khắc phục khó khăn để triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Qua đó, mở ra triển vọng, tạo đòn bẩy để tiếp tục thực hiện tốt các công tác này trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn và thương lượng, ký kết TƯLĐTT là nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị trong quý II/2022, các cấp Công đoàn Thủ đô bên cạnh việc tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, cần tiếp tục có các giải pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Trong đó chú trọng việc sử dụng cộng tác viên, ưu tiên những người có kinh nghiệm, thâm niên công tác trong lĩnh vực Công đoàn để triển khai các công tác này nhằm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra./.

Mai Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...