Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam nhìn từ Thụy Sỹ: Chú trọng ba vấn đề
Chính phủ Thụy Sỹ vừa công bố tài trợ hơn 100 tỉ đồng cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2024-2027. Đây là cơ hội quý báu để ngành du lịch Việt Nam học hỏi và phát triển.
Thụy Sỹ là quốc gia đi đầu về phát triển du lịch bền vững
Thụy Sỹ là hình mẫu về du lịch bền vững
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm đến hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Việt Nam liên tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.
Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, với lượng khách quốc tế năm 2024 tăng 37% so với năm 2023.
Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 840.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và phát triển du lịch một cách có trách nhiệm.
Vì thế, vừa qua Chính phủ Thụy Sỹ đã quyết định tài trợ hơn 100 tỉ đồng cho dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) trong giai đoạn 2024-2027.
Dự án được triển khai tại 3 tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch bền vững thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của Thụy Sỹ.
Du lịch bền vững tại Thụy Sỹ là một trong những mô hình tiên tiến nhất thế giới, nhờ sự kết hợp giữa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế địa phương, và bảo tồn văn hóa.
Quốc gia này đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến nhằm giảm tác động tiêu cực của du lịch, đồng thời mang lại trải nghiệm xanh cho du khách.
Thứ nhất là “giao thông xanh”. Hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường: Thụy Sỹ sở hữu mạng lưới đường sắt hiện đại với hơn 5.000 km đường ray.
Du khách có thể sử dụng Swiss Travel Pass, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon. Các tuyến tàu du lịch như Glacier Express hay GoldenPass vận hành bằng năng lượng tái tạo. Nhiều thành phố như Zurich, Geneva và Lucerne cung cấp dịch vụ thuê xe điện và xe đạp công cộng.
Thứ hai là “du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng xanh”. Nhiều khách sạn tại Thụy Sỹ đạt chứng nhận “Swisstainable” - một chương trình phát triển du lịch bền vững. Chẳng hạn như Whitepod EcoLuxury Hotel (Valais) sử dụng năng lượng mặt trời và cung cấp các lều nghỉ thân thiện với thiên nhiên; Cervo Mountain Resort (Zermatt) vận hành bằng năng lượng tái tạo, hỗ trợ sản phẩm địa phương.
Thứ ba là “ẩm thực địa phương và tiêu dùng có trách nhiệm”. Thụy Sỹ khuyến khích sử dụng thực phẩm organic, hạn chế nhập khẩu để giảm khí thải. Ngoài ra, các sáng kiến như “Too Good To Go” giúp giảm thiểu lượng thức ăn bị lãng phí tại nhà hàng, khách sạn.
Thứ tư, Chính phủ Thụy Sỹ triển khai chương trình Swisstainable Program, giúp các doanh nghiệp du lịch đạt mục tiêu phát triển bền vững và cấp chứng nhận Green Globe & myclimate cho nhiều khách sạn và tour du lịch nhờ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm rác thải và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Cuối cùng là ý thức của du khách và cộng đồng: Khuyến khích du lịch mùa thấp điểm để giảm áp lực lên các điểm du lịch nổi tiếng; Cấm rác thải nhựa tại nhiều khu du lịch; Giáo dục ý thức du lịch có trách nhiệm cho cả người dân và du khách.
Cơ hội cho Việt Nam
Dự án ST4SD gồm ba phần: Thực thi kế hoạch, quy hoạch tổng thể và các chính sách, quyết sách phát triển du lịch bền vững. Phần thứ nhất sẽ tăng cường cơ chế đối thoại công tư ở cấp quốc gia, vùng và tỉnh; xây dựng bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam nhằm tăng sức cạnh tranh.
Thứ hai là cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao, hướng tới phát triển kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Thứ ba là hỗ trợ các điểm đến có ý tưởng về phát triển du lịch bền vững cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tiêu chuẩn bền vững.
Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass đánh giá Việt Nam “có nhiều yếu tố tuyệt vời” để phát triển du lịch như cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hùng vĩ; văn hóa các dân tộc đặc sắc.
Đại sứ đặt vấn đề cần làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng du lịch nhưng đảm bảo bền vững, giữ gìn bản sắc cũng như bảo vệ môi trường. “Chúng tôi đã có kinh nghiệm hàng trăm năm để phát triển du lịch bền vững. Điều này có thể giúp Việt Nam đạt được những mong muốn đặt ra ở trên”, Đại sứ Thomas Grass nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, du lịch bền vững được triển khai ở một số nơi nhưng chưa đồng bộ. Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được coi là một điểm đến du lịch bền vững nhờ chính sách bảo tồn phố cổ, hạn chế phương tiện cơ giới, sử dụng đèn lồng thay cho đèn điện.
Các mô hình du lịch sinh thái tại Cúc Phương (Ninh Bình), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), hoặc Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) giúp bảo vệ rừng, động vật hoang dã và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi đi du lịch. Thế nên, kinh nghiệm của Thụy Sỹ trong phát triển du lịch bền vững là một nguồn tham khảo quý báu cho Việt Nam.
Thông qua dự án ST4SD, Việt Nam có cơ hội tiếp thu những bài học thành công của Thụy Sỹ, đồng thời xây dựng những giải pháp phù hợp với điều kiện và đặc thù của mình để phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả.