A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy giá trị của Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Sau 5 năm thành lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình khi tái hiện một cách sinh động quá trình phát triển nền báo chí Việt Nam qua các thời kỳ, thu hút được sự quan tâm của công chúng yêu báo chí.

Quy tụ hơn 35.000 tài liệu, hiện vật

Ngày 16/8,Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Bảo tàng (2017-2022) và tọa đàm khoa học “Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phát huy giá trị của Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Các đại biểu thăm quan một trưng bày do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức

Tại Toạ đàm, nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam đánh giá: Thật đáng tự hào là sự xuất hiện của một Bảo tàng diện mạo như bây giờ đã diễn ra trong một khoảng thời gian không dài trong 5 năm, với nguồn kinh phí vừa phải, số lượng cán bộ ít ỏi, không chuyên, nhưng họ giàu sự nhiệt huyết và sức sáng tạo. Đó là thành tựu lớn của Hội Nhà báo Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, ngày 14/1/2021, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Báo chí Cách mạng Việt Nam”, một vinh dự hiếm một cơ quan mới xuất hiện nào có được.

Thật vậy, sau 5 năm thành lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón hơn 18.000 lượt khách thăm là đại diện các tầng lớp nhân dân, các thế hệ nhà báo, sinh viên báo chí, các vị khách trong và ngoài nước, trong đó có đại sứ và cán bộ sứ quán các nước Anh, Mỹ, Canađa, Nga… Tới đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước di sản to lớn của nền báo chí Việt Nam được sưu tập và được chiêm ngưỡng những tờ báo, tờ tạp chí cũ kỹ thời xa xưa, nghe tên thấy vừa lạ vừa quen, những hiện vật, công cụ tác nghiệp của các thế hệ nhà báo trưng bày rất ấn tượng theo cách hiện đại, tái hiện một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc.

Ví như, những số Gia Định báo đầu tiên cũng như những tờ báo ra đời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho thấy ngôn ngữ báo chí tiếng Việt lúc bấy giờ có thể khác với hiện nay đôi chút, nhưng không hề xa lạ với độc giả báo chí hiện đại. Kỹ thuật in ấn, nét chữ tiếng Việt lúc đó đã rất sắc nét, rõ ràng, hiện đại và chứa đựng nhiều thông tin. Có thể nói rằng kỹ thuật viết báo hồi đó cũng đã hiện đại, cung cấp đầy đủ những yếu tố thông tin người đọc cần biết. Hay tờ báo Cứu Quốc số ra tháng 4/1950 đăng đầy đủ những thông tin quý giá về sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Đến nay, kho cơ sở dữ liệu của Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu hiện vật. Đó là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước.Ngoài ra, đã có 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại Bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác như ở Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...

Bản thân tôi là người được giao trách nhiệm thúc đẩy sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam giai đoạn đầu cũng không thể nghĩ rằng Bảo tàng của chúng ta ra đời và phát triển thành công đến thế: Nhanh về tốc độ triển khai, chất lượng về nội dung trưng bày, phong phú, đa dạng về tư liệu hiện vật, và khá hiện đại về phong cách thể hiện”, nhà báo Hà Minh Huệ cho biết.

Tầm nhìn đến năm 2050

Bàn về tương lai của Bảo tàng trong những năm tới, và tầm nhìn đến năm 2050, đã có nhiều ý kiến, tham luận, những đóng góp cụ thể và xác đáng của các chuyên gia về báo chí, bảo tàng học, các vị cố vấn tâm huyết của Bảo tàng. Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – Cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số. Nhiều bảo tàng trước đây hoạt động rất tốt nhưng thời gian qua lượng khách đang giảm dần. Hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã bước đầu sử dụng công nghệ thông tin để bổ sung tư liệu cho các gian trưng bày, giúp người xem có thêm nguồn tra cứu tư liệu về một số nội dung trong các gian trưng bày.

Thời gian tới, Bảo tàng cần sớm có kho tư liệu số, có nhiều phương tiện công nghệ tại các gian trưng bày phục vụ công tác tra cứu của người xem, tiến tới xây dựng bảo tàng điện tử để công chúng ở bất kỳ nơi nào, kể cả ở nước ngoài, cũng có thể tiếp cận bảo tàng bằng thiết bị điện tử của mình”.

Tương tự, nhà báo Hà Minh Huệ cũng đồng quan điểm cần ứng dụng công nghệ trong phát triển Bảo tàng. Nhà báo Hà Minh Huệ chia sẻ: “Khi thăm một Bảo tàng ở Thủ đô Bắc Kinh, chúng tôi mê mệt với việc họ dùng kỹ thuật không gian 3 chiều, thực tế ảo và ánh sáng để tái tạo không gian rất hiệu quả, cuốn hút người xem. Lúc đó trong đầu chúng tôi có những phác họa sơ khai, mơ ước về một Bảo tàng Báo chí Việt Nam đi theo hướng hiện đại như thế. Do đó những người làm bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ bây giờ phải nghiên cứu, hình dung triển vọng phát triển chung trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của công nghệ thông tin, và sự thay đổi nhu cầu của con người theo đà phát triển của xã hội, để đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng”.

Còn theo Thạc sĩ Triệu Hiển - Nguyên giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trước mắt, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tổ chức thẩm định nội dung hiện vật, tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học cho những hiện vật mới sưu tầm chưa có đầy đủ hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý, như: Bản ghi chép hiện vật, Bản ghi chuyện kể, Giấy biên nhận, Biên bản giao nhận…

Đồng thời đăng ký các hiện vật ấy vào Sổ Đăng ký hiện vật bảo tàng (Sổ kiểm kê bước đầu) và Sổ phân loại hiện vật. Song song với việc hoàn thiện hồ sơ cho các hiện vật mới sưu tầm, thì công việc hoàn thiện hệ thống sổ sách kho bảo quản cho toàn bộ các hiện vật trong kho của Bảo tàng cũng là một công việc cần được ưu tiên trong thời gian gần nhất, để Bảo tàng Báo chí Việt Nam thật sự là nơi lưu trữ và nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam./.

Phương Bùi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết