A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song tỷ lệ doanh nghiệp ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trên địa bàn Thành phố vẫn còn thấp, chất lượng còn những hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ ký kết cũng như chất lượng TƯLĐTT trong các doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Nhiều điều khoản có lợi cho người lao động

TƯLĐTT vốn được xem như một Bộ luật con tại doanh nghiệp, là công cụ pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Xác định điều này, LĐLĐ thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm, chú trọng chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ ký kết cũng như chất lượng các bản TƯLĐTT tại doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể
Ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Hà Nội.

Năm 2022, cùng với ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ Thành phố thường xuyên tổ chức hướng dẫn cách đánh giá, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT cho cán bộ trực tiếp phụ trách của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đồng thời thiết lập nhóm Zalo để truyền tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố tới các Công đoàn cấp trên cơ sở được nhanh chóng, kịp thời. Đây cũng là nơi để các cấp Công đoàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, đôn đốc và cập nhật thường xuyên tình hình ký kết TƯLĐTT của các đơn vị.

Thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021-2022”, trong 6 tháng đầu năm 2022, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT với tổng số kinh phí là 1 tỷ 417,5 triệu đồng. Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho 27 tập thể Công đoàn cấp trên cơ sở, 83 cá nhân trực tiếp thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT với tổng số tiền 659 triệu đồng; giao các Công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ cho 189 tập thể Công đoàn cơ sở và 189 cá nhân là cán bộ Công đoàn cơ sở có TƯLĐTT đạt loại A, B với số tiền 758,5 triệu đồng. Như vậy, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ 2 tỷ 189,2 triệu đồng và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ 2 tỷ 137 triệu đồng cho công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, số bản TƯLĐTT được thương lượng, ký mới nộp về LĐLĐ Thành phố là 625 bản, nâng tổng số các bản TƯLĐTT của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 30/6/2022 là 3.000 bản, tương ứng 3.000/5.809 doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 51,64%, đạt 139% chỉ tiêu cả năm do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Số TƯLĐTT đạt loại A, B chiếm 43,6% (Nghị quyết đại hội XVI đề ra là 45%). Các bản TƯLĐTT đều hợp lệ, có thời hạn theo quy định là từ 1 đến 3 năm.

Các đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở tiêu biểu, đạt kết quả cao trong thương lượng, ký kết TƯLĐTT có thể kể đến như LĐLĐ các quận: Hà Đông, Long Biên; LĐLĐ các huyện: Ứng Hòa, Đan Phượng, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai; Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội…

LĐLĐ Thành phố cho biết, qua theo dõi và cập nhật, các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương theo hợp đồng lao động; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1- 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; người lao động được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 - 30.000 đồng, ngoài ra khi người lao động làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ 1 bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng tháng lương thứ 13; người lao động được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên...

Tiếp tục nâng số lượng, chất lượng TƯLĐTT

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo đánh giá của LĐLĐ Thành phố, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Số lượng TƯLĐTT được ký kết còn thấp, mới đạt 51,64% trong khi Nghị quyết đại hội Công đoàn Thành phố XVI đề ra là 75%. Chất lượng một số TƯLĐTT còn chưa cao; TƯLĐTT sau khi ký kết không được phổ biến đến người lao động, không gửi cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động theo quy định; nội dung các điều khoản trong TƯLĐTT có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn hạn chế, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến hoạt động hiếu, hỉ. Vì vậy số lượng TƯLĐTT đạt loại C, D còn cao (chiếm 56,35%). Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT của tổ chức Công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức nên một số nội dung giao kết chưa được thực hiện nghiêm túc. Đáng nói, có tình trạng người sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết trong TƯLĐTT như: Giao kết hợp đồng lao động chưa đúng, chậm thanh toán lương, nợ bảo hiểm xã hội...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, trong đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, dẫn đến tình trạng giãn, hoãn, thiếu việc làm nên chưa tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Vì vậy, 6 tháng đầu năm 2022, tiến độ thực hiện theo chỉ tiêu giao trong năm 2022 đạt tỷ lệ còn thấp. Bên cạnh đó, các quy định về chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, làm cơ sở để xây dựng, ký kết TƯLĐTT.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan, đó là, đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở phụ trách và trực tiếp thực hiện chuyên đề Chính sách pháp luật và quan hệ lao động có nhiều biến động, thay đổi, hoặc phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác, do vậy công tác tham mưu cho Ban chấp hành Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chỉ đạo Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT bị hạn chế, không thường xuyên, liên tục. Đáng nói, cán bộ Công đoàn cơ sở hiện nay là hoạt động kiêm nhiệm, nên òn nhiều hạn chế về kiến thức pháp luật lao động; kỹ năng về tuyên truyền, vận động, cũng như đàm phán, thương lượng còn yếu…

Để khắc phục những hạn chế nói trên, phấn đấu tăng số lượng và chất lượng TƯLĐTT tại doanh nghiệp, thời gian tới, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong việc tham gia thương lượng, xây dựng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động,.. đặc biệt là các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết TƯLĐTT tới cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động.

LĐLĐ Thành phố sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng đến các Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở bản TƯLĐTT mẫu cũng như hướng dẫn quy trình ký kết TƯLĐTT; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT để trực tiếp hỗ trợ Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở; định kỳ hàng năm, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa các bên, góp phần điều hoà lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động./.

Phạm Diệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết