A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở cửa an toàn để phục hồi du lịch

Điểm đến an toàn, các sản phẩm đa dạng, ứng dụng công nghệ số và sự đồng bộ trong việc triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương là những yếu tố căn bản để phục hồi du lịch trong tình hình mới.

Du lịch đã có bước khởi sắc

Sau gần hai năm "đóng băng" vì dịch COVID-19, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Dương lịch năm 2022, du lịch nội địa đã có những bước khởi sắc đáng kể. Yếu tố an toàn cho du khách, doanh nghiệp và điểm đến du lịch luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Dịch COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát cũng là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để chuẩn bị tái khởi động hoạt động du lịch,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Du lịch đã có bước khởi sắc. (Ảnh minh họa: HT)

Ngay từ giữa tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng với đó,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề "Du lịch an toàn-Trải nghiệm trọn vẹn", góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.

Nhờ đó, trong tháng 11/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 2,5 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Trong dịp Tết Dương lịch 2022, nhiều địa phương trên cả nước hân hoan đón những du khách nội địa đầu tiên tới xông đất. Tại Lào Cai, du lịch bắt đầu sôi động trở lại khi lượng khách nội địa tăng nhanh trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, từ ngày 1-3/1/2022, công suất bình quân phòng nghỉ ước đạt khoảng 40%. Tổng lượt khách đến Lào Cai trong 3 ngày nghỉ ước đạt 30.200 lượt.

Ngay trong ngày đầu năm 2022, Hà Nội đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Tokyo (Nhật Bản) tại sân bay Nội Bài, do Hãng hàng không Vietjet thực hiện, với 143 hành khách. Sự kiện diễn ra trong không khí phấn khởi, hứa hẹn nhiều khởi sắc cho ngành công nghiệp không khói Thủ đô. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022, khách du lịch đến Hà Nội chủ yếu là khách nội địa, với khoảng 60.000 lượt khách.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ đón khoảng 200 du khách nội địa, một con số rất khiêm tốn so với trước khi COVID-19 ập đến, nhưng đây là sự kiện đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh, bởi trong 2 năm qua, ngành kinh tế xanh Thành phố Hồ Chí Minh gần như “đóng băng” vì dịch COVID-19. Đặc biệt, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã đón khoảng 60.000 du khách trong 3 ngày đầu năm, trong đó có khoảng 1.000 khách quốc tế.

Cùng với du lịch nội địa, cuối tháng 11/2021, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở một số vùng du lịch trọng điểm. Để chuẩn bị đón khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Bộ Ngoại giao và các đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm. Đồng thời làm việc với các hãng hàng không, lữ hành về kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế.

Tổng cục Du lịch triển khai chiến dịch truyền thông thu hút khách quốc tế "Sống trọn vẹn tại Việt Nam - Live fully in Vietnam" nhằm quảng bá rộng rãi chiến dịch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, hướng tới mở cửa hoàn toàn trở lại vào năm 2022. Theo Phó Tổng cục Trưởng Hà Văn Siêu, thông điệp này tạo ra hiệu  ứng rất tích cực khi du khách thấy Việt Nam vẫn lạc quan, tin tưởng, phát triển du lịch một cách an toàn, trải nghiệm một cách trọn vẹn. Đây cũng là hướng đi để cho các nhà đầu tư và khách du lịch yên tâm khi đến Việt Nam.

Với những nỗ lực của ngành du lịch và các địa phương, từ ngày 20/11 đến hết năm 2021, Việt Nam đã đón khoảng 3.500 du khách quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Dự kiến, trong tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn cuối năm 2021 cũng sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022.

Đón đầu xu hướng du lịch an toàn, các sản phẩm du lịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang được các đơn vị lữ hành, du lịch chuẩn bị với nhiều chương trình hấp dẫn. Theo nhiều doanh nghiệp, việc đẩy mạnh các sản phẩm du lịch dịp này không chỉ là đòn bẩy để tái tạo thị trường mà còn là cách để người làm du lịch và du khách dần thích nghi với bối cảnh mới.

Tạo niềm tin cho du khách ở mỗi điểm đến

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, để phục hồi du lịch trong tình hình mới cần ba yếu tố: An toàn, mở và đồng bộ. Trong đó yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân có niềm tin đến với các điểm đến. Khi đến các điểm du lịch họ cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ và có nguyện vọng sẽ quay lại.

Cùng với đó, theo ông Hà Văn Siêu, với các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh trong 2 năm qua, việc mở cửa là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch hoạt động. Muốn mở được, phải đồng bộ các ngành Ngoại giao, Y tế, Giao thông, Công an và Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương, điểm đến này, điểm đến kia, phải mở, phải thông thì khách mới đi được, bởi khách du lịch đến Nghệ An không chỉ ở địa phương này mà còn đi Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác. “Nếu một số địa phương không có những quy định thông suốt, không kết nối tour thì khách không đến được, khách đến có khi cũng không về được”, ông Hà Văn Siêu cho biết.

Để ngành du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới, ông Hà Văn Siêu cho rằng, ngành du lịch cần tiếp tục cơ cấu lại, phát triển theo xu hướng mới, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến, trải nghiệm sâu, không đe dọa bởi sự đại trà, đông đúc. Bên cạnh đó, cần khai thác yếu tố văn hóa trong du lịch, đầu tư cho văn hóa để kích thích du lịch.

Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần thực hiện tốt công tác truyền thông quảng bá để làm sao cho người dân có thể yên tâm đi du lịch khi dịch được kiểm soát.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp, thị trường du lịch nội địa và hồi hương vẫn giữ chủ đạo trong năm 2022. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, để ngành du lịch có thể xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển cụ thể rất cần chính sách tổng thể đồng bộ trong giai đoạn 2022-2025. Việc Chính phủ cho phép "mở cửa" theo Nghị quyết 128 là rất linh hoạt và đây là giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, chính sách mở cửa cần linh hoạt, nhất quán. Bởi, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ giữa các địa phương. Một số địa phương ban hành văn bản, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khiến các doanh nghiệp du lịch lúng túng trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng kiến nghị cần phải có chính sách mạnh cho ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, đảm bảo được việc hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ từ các quỹ, định chế tài chính và những hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Quốc hội để cho các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại. Cụ thể cần phải xem xét lại chính sách thuế. Vừa qua, các doanh nghiệp đã được giảm thuế 2 tháng cuối năm, 30% thuế VAT, nhưng độ thẩm thấu thấp, nên chính sách cần phải có độ ngấm, thấm thì mới có hiệu quả.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhìn nhận, mức độ phục hồi của du lịch phụ thuộc vào mức độ dễ dàng di chuyển của khách. Vì thế cần giải toả tâm lý cho khách với lá chắn là vaccine và 5K. Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, trong bối cảnh mới, chúng ta cần xác định “sống chung với dịch” một cách an toàn. “Lúc này, các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới, trong đó du lịch văn hoá sẽ là sản phẩm rất cốt lõi của du lịch Việt Nam” – ông Phùng Quang Thắng chia sẻ./.

Hà Thanh

 

 


Tác giả: Mai Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết