Huyện Đông Anh: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đưa dự án sớm về đích
Đã hơn 5 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim (huyện Đông Anh, Hà Nội) dài 3,2km mới hoàn thành khoảng 80% khối lượng xây lắp.
Nguyên nhân chính do dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Để sớm đưa dự án về đích, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, giúp người dân đi lại thuận lợi, huyện Đông Anh đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đến đền Sái tại ngã ba Kim, khởi công từ đầu năm 2020, đến nay vẫn còn nhiều đoạn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo thành những điểm “thắt cổ chai” gây cản trở giao thông.
Nhiều đoạn chưa thi công đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực cuối thôn Nguyên Khê (xã Nguyên Khê), đối diện Công ty cổ phần Nội địa hóa ô tô 1-5; đoạn qua Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh và Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp. Tại các vị trí này, mặt đường nhỏ hẹp, không có hệ thống thoát nước hai bên, lại không được sửa chữa do vướng dự án, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại lớn, dẫn đến mặt đường xuất hiện nhiều "ổ gà", "ổ voi", gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Dự án chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư, mà còn gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong vùng. Ảnh: TH
Tiếp xúc với phóng viên, anh Đặng Văn Thanh (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) bức xúc: “Hầu như ngày nào, tôi cũng đi qua tuyến đường từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái. Do tuyến đường đang triển khai dự án, lại thi công kiểu “xôi đỗ”, đoạn làm, đoạn chưa làm, xuống cấp nghiêm trọng nên ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì nước đọng, lầy lội...”.
Còn chị Phạm Hoàng Lan, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết: “Dự án thi công quá chậm, kéo dài, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại tuyến đường nhiều nhất là xe tải lớn, khiến một số đoạn đường xuống cấp, tai nạn xảy ra "như cơm bữa" khiến người dân luôn lo lắng, bất an”.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh làm chủ đầu tư được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 10-2018, tổng mức đầu tư trên 382 tỷ đồng.
Ao nước lớn hình thành dọc tuyến đường mỗi khi mưa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: TH
Gỡ vướng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh Phạm Anh Tú cho biết, dự án được khởi công từ đầu năm 2020, nhưng do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Đến thời điểm này, khối lượng thi công dự án ước đạt 80%, trong đó, toàn bộ khu vực có mặt bằng sạch đã được thi công và đưa vào sử dụng. Tháng 10-2022, dự án được điều chỉnh thời gian thi công đến hết năm 2025.
Nhiều hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng khiến dự án phải dừng thi công nhiều năm. Ảnh: TH
Để phục vụ công tác triển khai dự án, huyện Đông Anh đã thu hồi khoảng 5,1ha đất thuộc địa giới hành chính hai xã Nguyên Khê và Xuân Nộn. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất công, đất tổ chức đã hoàn tất. Tuy nhiên, đối với phần đất ở có diện tích thu hồi khoảng 19.000m2 liên quan đến 252 hộ dân thì đến nay, vẫn còn 46 hộ ở xã Nguyên Khê và xã Xuân Nộn (trong đó, một số hộ có hộ khẩu tại thị trấn Đông Anh, sử dụng đất nằm trong địa giới hành chính xã Nguyên Khê và Xuân Nộn) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ, có nguy cơ tiếp tục lỡ hẹn.
Theo ông Phạm Anh Tú, hiện nay, còn một số hộ không đồng tình vì cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thấp. Một số hộ đề nghị được hưởng chính sách tái định cư. Song, vướng mắc lớn nhất là 21 hộ tại thị trấn Đông Anh sử dụng đất mượn của Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội thuộc địa giới hành chính xã Xuân Nộn. Hầu hết các hộ sinh sống ổn định tại đây trước năm 1994, không tranh chấp. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho các hộ, huyện đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố xin cơ chế đặc thù. Tháng 5-2025, sau khi thành phố có văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn này, huyện Đông Anh chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các ngành hữu quan, UBND các xã tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định.
"Chúng tôi đang tích cực phối hợp với UBND hai xã Nguyên Khê và Xuân Nộn tập trung gỡ từng "nút thắt" trong công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành trong quý III-2025. Có mặt bằng sạch, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí hiện nay, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân khu vực", ông Phạm Anh Tú nói.